Sự kiện nổi bật:

Tin tức

Cập nhật lúc : 16/10/2020

ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN

Kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20/10/1930 - 20/10/2020)

Phần thứ nhất

SỰ RA ĐỜI CỦA HỘI LIÊN HIỆP PHỤ NỮ VIỆT NAM

Sống dưới chế độ phong kiến và đế quốc, phụ nữ là lớp người bị áp bức, bóc lột, chịu nhiều bất công nên luôn có yêu cầu được giải phóng và sẵn sàng đi với cách mạng. Ngay từ những ngày đầu chống Pháp, phụ nữ đã tham gia đông đảo vào phong trào Cần Vương, Đông Kinh Nghĩa Thục, Đông Du, còn nhiều phụ nữ nổi tiếng khác tham gia vào các tổ chức tiền thân của Đảng.Từ năm 1927, những tổ chức quần chúng phụ nữ bắt đầu hình thành và thu hút đông đảo các tầng lớp phụ nữ tham gia, như: Công Hội Đỏ, Nông Hội Đỏ, các nhóm tương tế, tổ học nghề và các tổ chức có tính chất riêng của giới nữ.

Ngày 03/02/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, mở ra một bước ngoặt quyết định cho phong trào phụ nữ Việt Nam. Cương lĩnh đầu tiên của Đảng đã ghi: “Nam nữ bình quyền”. Đảng sớm nhận rõ, phụ nữ là lực lượng quan trọng của cách mạng và đề ra nhiệm vụ: Đảng phải giải phóng phụ nữ, gắn liền giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp với giải phóng phụ nữ. Đảng đặt ra, phụ nữ phải tham gia các đoàn thể cách mạng (công hội, nông hội) và thành lập tổ chức riêng cho phụ nữ để lôi cuốn các tầng lớp phụ nữ tham gia cách mạng.

Ngày 20/10/1930, Hội Phụ nữ phản đế Việt Nam (tiền thân của Hội Phụ nữ Việt Nam) chính thức được thành lập. Kể từ đó ngày 20/10 hằng năm, được lấy làm ngày truyền thống của tổ chức Hội LHPN Việt Nam. Sự kiện lịch sử này nói lên quan điểm của Đảng ta đối với vai trò của phụ nữ trong cách mạng, đối với tổ chức phụ nữ, đối với sự nghiệp giải phóng phụ nữ.

Qua các thời kỳ cách mạng có các tổ chức phụ nữ: Hội phụ nữ giải phóng (1930 - 1931), Hội phụ nữ dân chủ (1936 - 1939), Hội phụ nữ phản đế (1939 - 1941), Đoàn phụ nữ cứu quốc (16/6/1941), Phụ nữ Cứu quốc (1945)… Dưới sự lãnh đạo của Đảng, các tổ chức phụ nữ này là hạt nhân nòng cốt trong việc vận động phụ nữ tham gia tích cực và góp phần vào thắng lợi của cách mạng.

Ngày 03/10/1946, Bộ trưởng Nội vụ Huỳnh Thúc Kháng đã ký Nghị định cho phép thành lập Hội LHPN Việt Nam. Ngày 17/10/1946, báo Cứu quốc đăng toàn văn nội dung Lời Hiệu triệu của Hội LHPN Việt Nam. Ngày 20/10/1946, từ các tổ chức tiền thân, trước yêu cầu mới của cách mạng và phong trào phụ nữ cả nước, Hội chính thức mang tên Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và làm lễ ra mắt tại Quảng trường Nhà hát lớn, Thủ đô Hà Nội. Sự ra đời của tổ chức Hội LHPN Việt Nam đã khích lệ, động viên các tầng lớp phụ nữ, trước là trách nhiệm đối với dân tộc, với phụ nữ Việt Nam và sau là vì sự hòa bình, phát triển và tiến bộ của phụ nữ trên toàn thế giới.

Năm 1948, Hội LHPN Việt Nam chính thức gia nhập Liên đoàn Phụ nữ Dân chủ Quốc tế.

Thực hiện Nghị quyết của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc thống nhất các đoàn thể nhân dân, từ ngày 10-12/6/1976, Hội nghị thống nhất Hội Liên hiệp Phụ nữ toàn quốc được tổ chức, nhất trí quyết nghị,thống nhất sự chỉ đạo hoạt động của Hội Liên hiệp Phụ nữ trong cả nước trong một tổ chức là Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, lấy ngày 20/10/1930 là ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.

Đến năm 2010, tại Thông báo số 382-TB/TW, ngày 15/10/2010 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ban Bí thư đồng ý lấy ngày 20/10 hàng năm là ngày Phụ nữ Việt Nam

Phần thứ hai

KHÁI QUÁT LỊCH SỬ PHÁT TRIỂNVÀ NHỮNG KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC

TRONG CÁC PHONG TRÀO CỦA PHỤ NỮ VIỆT NAM

I. TRƯỚC KHI THÀNH LẬP ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM

Dưới chế độ phong kiến và đế quốc, phụ nữ là những người bị áp bức, bóc lột, chịu nhiều bất công nên luôn mong muốn được giải phóng và sẵn sàng đi theo cách mạng. Ngay từ những ngày đầu Pháp xâm lược Việt Nam, phụ nữ đã tham gia đông đảo vào phong trào Cần Vương, Đông Kinh Nghĩa Thục, Đông Du.

Tiêu biểu trong giai đoạn này, cả nước có 5 nhóm phụ nữ yêu nước được tổ chức với nhiều hình thức hoạt động phong phú. Năm 1927, nhóm ba chị em Nguyễn Thị Lưu, Nguyễn Thị Minh Lãng, Nguyễn Thị Thủy ở làng Phật Tích (Bắc Ninh) tham gia thanh niên Cách mạng đồng chí hội đã tuyên truyền, xây dựng tổ học nghề đăng ten gồm 30 chị vừa học nghề vừa học chữ. Nhóm chị Thái Thị Bôi có các chị Lê Trung Lương, Huỳnh Thị Thuyên, Nguyễn Thị Quang Thái ở Huế tham gia Sinh hội đỏ ở trường Nữ học Đồng Khánh. Ở Triệu Phong (Quảng Trị) có nhóm các chị Hoàng Thị Ái, Lê Thị Quế tổ chức cửa hàng Hưng Nghiệp Hội Xã để làm tài chính cho Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Ở Mỹ Tho, tỉnh bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên lập ra Gánh hát Đồng nữ do cô giáo Trần Ngọc Viện (Ba Viện) phụ trách đã tập hợp 30 thiếu nữ là con em các gia đình yêu nước đi diễn lư­u động những vở tuồng có nội dung tiến bộ qua nhiều tỉnh để vừa tuyên truyền giác ngộ cách mạng cho quần chúng, vừa gây dựng tài chính cho Hội. Nhiều phụ nữ trong gánh hát sau nay trở thành đảng viên, cán bộ cách mạng.  

Năm 1928, do ảnh hưởng của phong trào Duy Tân và tiếp thu tư tưởng tiến bộ qua sách báo, xuất hiện nhiều phong trào đòi quyền bình đẳng cho phụ nữ. Ở Đà Nẵng, nhiều chị em tham gia tổ chức “Đà thành Nữ công học Hội”. Ở Nghệ An tổ chức “Phụ nữ đoàn” ngày càng phát triển. Riêng năm 1928 phát triển thêm được 50 người, chị Nguyễn Thị Minh Khai được cử làm Bí thư “Phụ nữ đoàn” và làm giao thông bí mật của liên tỉnh. Năm 1929, nhóm chị Nguyễn Thị Minh Khai cùng Nguyễn Thị Phúc, Nguyễn Thị An liên hệ với chị Nguyễn Thị Xân, Nguyễn Thị Thiu, Nguyễn Thị Nhuận thành lập tổ Phụ nữ giải phóng ở Vinh… Các tổ nhóm này vừa tham gia sinh hoạt vừa âm thầm tuyên truyền hoạt động cách mạng.

II. PHONG TRÀO PHỤ NỮ TỪ KHI THÀNH LẬP ĐẢNG ĐẾN CÁCH MẠNG THÁNG TÁM (1930 - 1945)

Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, các tổ chức phụ nữ lần lượt ra đời nhằm quy tụ sức mạnh đoàn kết của các tầng lớp phụ nữ Việt Nam: Hội Phụ nữ Phản đế Đông Dương (1930), Hội Phụ nữ Dân chủ (1936), Đoàn Phụ nữ Cứu quốc (1941 - 1945).

1. Giai đoạn 1930 - 1936

Năm 1930,tại Hội nghị thành lập Đảng Cộng Sản, bên cạnh Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình điều lệ tóm tắt của Đảng, Hội nghị còn quyết định thành lập các tổ chức quần chúng do Đảng lãnh đạo, trong đó có Hội phụ nữ Giải phóng.

Sau khi thành lập Đảng, từ ngày 14-31/10/1930, tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ nhất, bên cạnh việc thảo luận Luận Cương chính trị của Đảng, Hội nghị đã thông qua Nghị quyết về Phụ nữ vận động, trong đó đề ra nhiệm vụ phải tổ chức ra các đoàn thể phụ nữ, như:Phụ nữ hiệp hội. Đồng thời, Trung ương Đảng đã đề ra “Điều lệ Phụ nữ Liên hiệp Hội”.Với tính chất quan trọng như vậy, Nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ nhất (tháng 10/1930) đã đánh dấu quá trình hình thành tổ chức Hội đầu tiên của phong trào phụ nữ dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Đại hội Đảng lần thứ nhất (tháng 3/1935) đã đánh giá: “Cờ vận động dân tộc và xã hội giải phóng xuất hiện thì có phụ nữ tham gia cách mạng. Thời kỳ cách mạng vận động cao nhất của phụ nữ lao động là năm 1930 - 1931. Trong hai năm ấy, không có cuộc bãi công nào mà không có phụ nữ tham gia. Có lúc phụ nữ dẫn đạo các cuộc tranh đấu, có nơi đã tổ chức những cuộc biểu tình, bãi công hoàn toàn bao gồm đàn bà… Những chứng cứ đó biểu tỏ rằng bộ phận phụ nữ lao động Đông Dương đã có giai cấp giác ngộ, rằng phụ nữ là một lực lượng cách mạng rất lớn mà Đảng cộng sản hết sức chú ý tổ chức và chỉ đạo”. Từ nhận định đó, Nghị quyết đã chỉ rõ: “Mỗi Đảng bộ phải thuyết phục tổ chức cho được phụ nữ vào Đảng, vào Thanh niên Cộng sản Đoàn và các đoàn thể cách mạng, cần đem các phần tử nữ hăng hái vào các cơ quan chỉ đạo”.

Hoạt động của phong trào phụ nữ thời kỳ này có nhiều phương thức tổ chức thích hợp với chủ trương hoạt động bí mật của Đảng, như: Hội cấy, Hội gặt, Hội tương tế…Trong cao trào cách mạng 1930 - 1931, phụ nữ là lực lượng đông đảo trong các cuộc mít-tinh, biểu tình, tuần hành…, đấu tranh đòi giảm sưu thuế và đòi quyền tự do dân chủ. Tại nhiều địa phương, phong trào phụ nữ phát triển mạnh mẽ cùng với phong trào cách mạng sôi nổi. Phụ nữ đã tập hợp thành tổ chức với các tên gọi, như: “Hội Phụ nữ giải phóng”, “Phụ nữ Hiệp Hội”. Trong cao trào cách mạng, nhiều phụ nữ đã trưởng thành, như: chị Nguyễn Thị Thập tham gia Xứ ủy Nam kỳ, chị Nguyễn Thị Hiếu là Tỉnh ủy viên Thái Bình…

2. Giai đoạn 1936 - 1939

Hoảng sợ trước làn sóng đấu tranh dâng cao của phong trào Đông Dương đại hội, ngày 16/3/1936, chính quyền thực dân Pháp ra lệnh đàn áp, cho giải tán các Ủy ban hành động, bắt giam các nhà yêu nước, sa thải những thợ thuyền, viên chức tham gia phong trào Đông Dương đại hội...

Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ nhất vào ngày 26/7/1936, tại Thượng Hải, quyết định tạm thời không nêu khẩu hiệu “Đánh đổ đế quốc Pháp” và “Tịch thu ruộng đất cho dân cày” mà chuyển hướng, lập “Mặt trận nhân dân phản đế Đông Dương”, nhằm đoàn kết mọi tầng lớp nhân dân, cùng đứng trong Mặt trận dân chủ và hòa bình thế giới chống chủ nghĩa phát-xít và chống chiến tranh của phát-xít xâm lược. Nhằm tập họp phụ nữ vào mặt trận phản đế sâu rộng, công tác phụ vận được Đảng đặc biệt quan tâm.

Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương (tháng 8/1937) về công tác vận động phụ nữ, đặt ra nhiệm vụ chống phát-xít, chống chiến tranh bằng hình thức công khai, hợp pháp. Vì vậy, tổ chức cách mạng của phụ nữ được đổi thành “Hội Phụ nữ Dân chủ”. Cuối tháng 9/1937, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra chỉ thị về công tác phụ vận: “… Phải tùy theo hoàn cảnh mà tổ chức Hội phụ nữ tân tiến, phụ nữ thể dục, Hội những người mẹ chống chiến tranh, Hội ái hữu, Hội tương tế, Hội ca hát, vệ sinh trẻ con, trường nữ công…, giác ngộ phụ nữ chống phản động thuộc địa, chống phát-xít, chống chiến tranh, huấn luyện chị em có ý thức đòi nam nữ bình quyền...”.

Ở thời kỳ vận động dân chủ 1936 - 1939, phụ nữ tham gia đấu tranh công khai, tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin và chủ trương, đường lối đấu tranh cách mạng và công tác vận động phụ nữ của Đảng. Quần chúng phụ nữ được tập hợp trong những tổ chức phù hợp với ngành nghề và điều kiện sinh hoạt,  trong đó “Hội Phụ nữ dân chủ” và “Hội Phụ nữ giải phóng” làm nòng cốt vận động, tập hợp các tầng lớp phụ nữ đấu tranh đòi các quyền tự do, dân chủ và hòa bình. Hội đã tuyên truyền đường lối, quan điểm của Đảng về giải phóng phụ nữ, nam nữ bình đẳng và tổ chức các hoạt động gắn với tính chất ngành nghề của phụ nữ để đấu tranh đòi tự do dân chủ, đòi quyền lợi cho phụ nữ, như: hội Ái hữu, hội Truyền bá quốc ngữ. Trong đấu tranh, phụ nữ công nhân các nhà máy đông nữ, như: Dệt Nam Định, Tơ Hải Phòng, Mỏ Quảng Ninh, Diêm Bến Thủy, Thuốc lá Sài Gòn, Gấm Thủ Dầu Một… đã nêu những tấm gương bền bỉ, kiên cường. Khi phong trào lên cao cho đến khi bị đàn áp, phụ nữ vẫn có cách hoạt động riêng của mình bằng các cuộc đấu tranh đòi quyền dân chủ, cải thiện đời sống công nhân, nông dân và các tầng lớp lao động khác, với các khẩu hiệu tự do hội họp, tự do lập hội, tự do đi lại, tự do báo chí, bỏ thuế thân, thả tù chính trị... Phụ nữ có yêu cầu đặc biệt của giới mà lần đầu tiên được nêu lên làm khẩu hiệu đấu tranh: “Việc làm ngang nhau, tiền lương ngang nhau”; “Cấm bắt phụ nữ làm ca đêm, làm việc nặng có hại đến sinh đẻ”; “Trợ cấp khi sinh đẻ”… Đặc biệt, phong trào ái hữu sôi nổi, rầm rộ trong các năm 1937 - 1938, thu hút hàng vạn hội viên, trong đó có những ái hữu đông phụ nữ hoặc toàn phụ nữ, như: thợ may, thợ thêu, thợ dệt, nữ công gia chánh, chợ, sân khấu cải lương... Ái hữu không chỉ phát triển ở nội thành mà còn ở nông thôn. Ngoài những vạn cấy, hội gặt, hội hiếu hỷ đã có sẵn, nay còn có thêm hội tương tế, ái hữu, hội âm công, nhà vàng... Từ Ủy ban hành động đến hội ái hữu, đã tích lũy vốn cho phong trào thành phố, đào tạo cho chị em nòng cốt từng bước đi sâu sát quần chúng, vận động quần chúng cùng làm với mình và trở thành những cán bộ của quần chúng. Đây là cuộc tập hợp và “thức tỉnh” quần chúng, là tiền đề cho giới phụ nữ bước vào cao trào cách mạng mạnh mẽ, rộng lớn hơn, trong những thời kỳ lịch sử tiếp theo của dân tộc.

3.Giai đoạn 1939 - 1941

Năm 1939, chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ, khả năng hoạt động hợp pháp của các phong trào không còn nữa. Trung ương Đảng chỉ thị cho các cơ quan, cán bộ rút vào bí mật, chuyển trọng tâm công tác về nông thôn. Đời sống nhân dân vô cùng khó khăn. Thất nghiệp tràn lan, nguyên vật liệu bị “mẫu quốc” vơ vét cùng kiệt, hàng vạn thanh niên Việt Nam bị bắt lính sang giữ biên giới Cao Miên chống quân Xiêm. Mùa thu năm 1940, phát-xít Nhật xâm lăng Đông Dương. Bọn thực dân Pháp quỳ gối đầu hàng, mở cửa Việt Nam rước quân Nhật. Từ đó, nhân dân ta phải chịu cảnh một cổ hai tròng Pháp và Nhật.

Trước diễn biến tình hình trong nước và thế giới, nhiệm vụ cứu nước trở nên vô cùng cấp bách. Đảng chủ trương: “Vận động phụ nữ tổ chức các hội phụ nữ phản chiến, các hội cứu tế, bảo an… để giúp đỡ nhau, chống đế quốc chiến tranh, đòi hòa bình”. Để phù hợp với tình hình, Hội lấy tên là Hội phụ nữ Phản đế. Hội đã vận động chị em tham gia mít-tinh, biểu tình, lập các hội cứu tế, bảo an, tham gia chống bắt lính với khẩu hiệu chống đế quốc chiến tranh, đòi hoà bình, đòi bồi thường chiến tranh. Phụ nữ thoát ly gia đình, tham gia hoạt động cách mạng ngày càng đông đảo, góp phần xây dựng lực lượng chuẩn bị Tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Thực hiện yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong từng giai đọan, các tầng lớp phụ nữ được tập hợp trong tổ chức “Hội phụ nữ phản đế”, thành viên của Mặt trận nhân dân phản đế Đông Dương (năm 1939).

4. Giai đoạn 1941 - 1945

Nhằm tập hợp khối đại đoàn kết dân tộc vào mục tiêu “cứu quốc”, Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Việt Minh) ra đời. Lực lượng gia nhập Việt Minh, ngoài các đoàn thể cứu quốc có tính chất chính trị, cách mạng rõ rệt, như: Hội Nông dân cứu quốc, Đoàn Thanh niên cứu quốc, Đoàn phụ nữ cứu quốc… còn có những đoàn thể không có điều lệ, hoạt động công khai, bán công khai, như: Hội cứu tế thất nghiệp, hội tương tế, hội hiếu hỉ, phường bạn, nhóm học Quốc ngữ, nhóm đọc sách, xem báo… nhằm đưa quần chúng từng bước đi lên các tổ chức cứu quốc.

Ngày 16/6/1941, Đoàn phụ nữ cứu quốc được thành lập, tập hợp và đoàn kết các lực lượng phụ nữ gia nhập Mặt trận Việt Minh, kêu gọi phụ nữ Việt Nam tham gia đánh đuổi Nhật - Pháp. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Đoàn Phụ nữ cứu quốc đã vận động các tầng lớp phụ nữgia nhập các đoàn thể cứu quốc đánh Pháp, đuổi Nhật, xây dựng và bảo vệ cơ sở cách mạng.

Để gấp rút chuẩn bị cho khởi nghĩa giành chính quyền, phụ nữ đã tích cực tham gia các phong trào đánh Pháp, đuổi Nhật, phá kho thóc giải quyết nạn đói... Hội phụ nữ vận động các hội viên bí mật xây dựng và bảo vệ cơ sở cách mạng. Nhờ vậy, phong trào phụ nữ ngày càng lớn mạnh, góp phần vào thắng lợi chung của cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945.

Hệ thống của Đoàn Phụ nữ Cứu quốc có 4 cấp: Ban Chấp hành từ cơ sở đến huyện, tỉnh, xứ. Cuối năm 1941, đồng chí Hoàng Ngân được giao nhiệm vụ Bí thư  Phụ vận xứ Bắc Bộ.

III. TẬP HỢP PHỤ NỮ THỰC HIỆN MỤC TIÊU GIẢI PHÓNG DÂN TỘC, THỐNG NHẤT VÀ BẢO VỆ ĐẤT NƯỚC

1. Giai đoạn 1946 - 1954: Kháng chiến chống thực dân Pháp

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, chính quyền cách mạng vừa được thành lập đã phải đối phó với tình thế khó khăn, “thù trong, giặc ngoài”. Các tầng lớp phụ nữ Việt Nam đã tích cực tuyên truyền và thực hiện cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; hăng hái hưởng ứng phong trào tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, tích cực đóng góp trong “Tuần lễ vàng” và tham gia phong trào “Bình dân học vụ” xóa nạn mù chữ; gia nhập lực lượng dân quân tự vệ, tích cực tham gia đấu tranh với nhiều hình thức làm thất bại âm mưu bạo loạn, giữ vững thành quả cách mạng. Hội Phụ nữ đã có nhiều hình thức hoạt động phong phú và là lực lượng nòng cốt tham gia vào các phong trào do Chính phủ phát động, như: “Không bỏ 1 tấc đất hoang”, “Tuần lễ vàng”, “Bình dân học vụ”, “Hũ gạo cứu quốc”, “Bảo trợ thiếu nhi”, “Cứu đói”...; góp phần cùng nhân dân cả nước củng cố chính quyền non trẻ và giúp cho hàng triệu phụ nữ thoát nạn mù chữ. Ở Nam Bộ, các tổ chức Hội Phụ nữ hoạt động dưới nhiều hình thức, như: “Phụ nữ tiền phong”, “Phụ nữ cao đài”, “Phụ nữ dân chủ”, “Phụ nữ hiệp hội”... đều tham gia Hội LHPN Việt Nam.

Ngày 03/10/1946, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Huỳnh Thúc Kháng đã ký Nghị định cho phép thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Hội chính thức được thành lập gồm nhiều đoàn thể phụ nữ trong đó Đoàn Phụ nữ Cứu quốc là tổ chức nòng cốt, hoạt động trong khuôn khổ là một tổ chức thành viên của Hội LHPN Việt Nam.Ngày 20/10/1946, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam làm lễ ra mắt tại Quảng trường Nhà hát Lớn, Hà Nội. Đồng chí Lê Thị Xuyến được cử làm Hội trưởng lâm thời Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Tên gọi Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam được duy trì cho đến ngày nay. Trong giai đoạn này, hai tổ chức phụ nữ cùng song song tồn tại và hoạt động.

Hưởng ứng lời kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 19/12/1946, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã động viên các tầng lớp phụ nữ tích cực tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Ở vùng hậu phương, phụ nữ là lực lượng chủ yếu trong lao động sản xuất, bảo đảm đời sống nhân dân và đáp ứng nhu cầu “Hậu cần tại chỗ” phục vụ quân đội, góp phần chi viện tiền tuyến đánh thắng giặc Pháp. Trong vùng địch tạm chiếm, phụ nữ là lực lượng đấu tranh quan trọng, thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, vận động nhân dân tin tưởng vào đường lối kháng chiến của Đảng, tạo mọi điều kiện ủng hộ cuộc kháng chiến. Hội Phụ nữ đã phát động các phong trào, như: “Phụ nữ tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm”, “Phụ nữ học cày, học bừa”, phong trào “Phụ nữ học nghề”, phong trào “Chống bắt lính”, “Vận động binh sĩ trở lại quê hương”. Những đóng góp của Hội Phụ nữ ở cả hậu phương và tiền tuyến, từ Bắc tới Nam, từ nông thôn đến thành thị, miền núi... đã góp phần to lớn vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Cuối năm 1949, để đẩy mạnh cuộc kháng chiến trong cả nước, Đảng chủ trương thống nhất các lực lượng phụ nữ kháng chiến thành một khối thống nhất. Từ ngày 18 - 29/4/1950, trước tình hình mới, Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ nhất được diễn ra tại Đại Từ, Thái Nguyên (Chiến khu Việt Bắc). Đoàn Phụ nữ Cứu quốc hợp nhất với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thành một tổ chức Hội thống nhất lấy tên là Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, tổ chức chính trị duy nhất của các tầng lớp phụ nữ, với hơn 3 triệu hội viên. Đồng chí Lê Thị Xuyến được bầu làm Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, tạo nên sức mạnh đoàn kết các tầng lớp phụ nữ Việt Nam.

Trong 18 chiến dịch lớn của cả nước, phụ nữ đã đóng góp 9.578.000 ngày công. Cũng trong giai đoạn này, lực lượng phụ nữ tham gia dân quân du kích ngày càng nhiều. Tiêu biểu là đội “Nữ du kích Hoàng Ngân” thu hút 7.365 chị em tham gia. Các chị đã cùng quân dân tỉnh Hưng Yên đánh hơn 1.000 trận, lập chiến công lẫy lừng. Phong trào nữ du kích Hoàng Ngân còn được Bộ Quốc phòng tổng kết kinh nghiệm và nhân rộng điển hình, phổ biến cho các tỉnh trong kháng chiến chống Mỹ ở miền Nam và miền Bắc… 

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, phụ nữ các dân tộc Tày, Thái, Mèo, Dao, Nùng, Hoa, Puộc, Xá… đã tham gia đông đảo. Chị em đã ngày đêm vượt suối, băng ngàn, làm mọi công việc vận chuyển, tiếp tế lương thực, đạn dược, tải thương, thổi cơm, đưa nước cho bộ đội, làm hầm, chữa cầu đường… Có thể nói, Hội LHPN Việt Nam đã bằng mọi nỗ lực vận động chị em phụ nữ tham gia vào tất cả các lĩnh vực hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp.

2. Giai đoạn 1954 - 1975: Kháng chiến chống đế quốc Mỹ ở miền Nam và xây dựng CNXH ở miền Bắc

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Ngày 20/7/1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ về Đông Dương được ký kết, Việt Nam bị chia cắt làm hai miền với hai chế độ chính trị khác nhau. Miền Nam tạm thời dưới ách thống trị của đế quốc và tay sai, Mỹ đưa Ngô Đình Diệm về nước, lập chính phủ bù nhìn ở miền Nam Việt Nam. Chính quyền Mỹ - Diệm vi phạm trắng trợn Hiệp định Giơ-ne-vơ, đàn áp người kháng chiến cũ, phá vỡ hiệp thương tổng tuyển cử.

Thời kỳ này, Đảng đã lãnh đạo cả nước tiến hành đồng thời 2 nhiệm vụ cách mạng chiến lược: Miền Bắc tiến hành cách mạng XHCN, miền Nam tiếp tục cách mạng giải phóng dân tộc dân chủ nhân dân để giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Từ năm 1954 - 1975, phong trào phụ nữ đã xác định những nội dung hoạt động phù hợp với đặc điểm tình hình cách mạng của hai miền Nam, Bắc. Tổ chức Hội phụ nữ hai miền Nam Bắc thực hiện những nhiệm vụ, hoạt động phù hợp với từng miền và cùng hướng tới mục tiêu chung là đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng phụ nữ, đánh đuổi đế quốc Mỹ, thống nhất đất nước. Đồng thời, tổ chức Hội hai miền phát động phong trào riêng, có tác động lan tỏa và sâu rộng trong các cấp Hội phụ nữ.

Ở miền Bắc

Năm 1954, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, bắt tay vào cách mạng XHCN, xây dựng CNXH, làm nhiệm vụ chi viện của “hậu phương lớn” cho “tiền tuyến lớn”.

Tháng 3/1961, Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ III họp tại Hà Nội,tổng kết những hoạt động chủ yếu của phong trào phụ nữ và thông qua Nghị quyết về những nhiệm vụ lớn của phong trào phụ nữ trong giai đoạn mới của cách mạng. Từ 1961 - 1965, phụ nữ hăng hái hưởng ứng “Phong trào thi đua 5 tốt” do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động với các nội dung: (1)Đoàn kết sản xuất tiết kiệm tốt;(2) Chấp hành chính sách tốt;(3) Tham gia quản lý tốt;(4) Học tập chính trị, văn hóa, kỹ thuật tốt;(5) Xây dựng gia đình nuôi dạy con tốt.

Ngày 05/8/1964, Đế quốc Mỹ dựng lên cái gọi là “Sự kiện Vịnh Bắc Bộ”, lấy cớ dùng không quân bắn phá miền Bắc. Trước tình hình đó,tháng 3/1965, Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động phong trào “Ba đảm đang” với các nội dung: (1) Đảm đang sản xuất và công tác; (2)Đảm đang gia đình; (3)Đảm đang phục vụ chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu. Phong trào “Ba đảm đang” là bước phát triển mới của phong trào 5 tốt, trở thành nhiệm vụ trọng tâm trong hoạt động của Hội LHPN Việt Nam giai đoạn 1965- 1975, là một trong những phong trào thi đua có quy mô lớn nhất trong lịch sử Việt Nam thời kì hiện đại, trở thành hoạt động nổi bật, tiêu biểu trong lịch sử tổ chức và hoạt động của Hội LHPN Việt Nam và là bộ phận khăng khít của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc.

Thi đua với phụ nữ Nam bộ, những tấm gương phụ nữ miền Bắc anh dũng của Đại đội pháo nữ dân quân Ngư Thủy (Quảng Bình) bắn cháy liên tiếp 3 tàu chiến Mỹ hay của Trung đội nữ dân quân Hoằng Hải (Thanh Hóa) bắn rơi máy bay Mỹ… đã khẳng định trí tuệ, sáng tạo và tinh thần kiên cường, quật khởi của các tầng lớp phụ nữ trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Ở miền Nam

Tại miền Nam, sự lãnh đạo của Đảng sau 1954 chuyển hướng vào hoạt động hoàn toàn bí mật để bảo tồn lực lượng. Đoàn thể phụ nữ cũng như các đoàn thể quần chúng khác đều tự giải tán, chuyển sang tổ chức quần chúng theo chuỗi rễ nòng cốt. Một số cán bộ phụ nữ được bố trí nhằm hoạt động hợp pháp, tạo thế sinh sống công khai, chuyển vùng công tác. Ở các vùng ngoại thành và nông thôn, cán bộ hội viên cũ chuyển thành các tổ chức, như: Hội chùa, Hội Miếu, nhóm nữ công, bình dân học vụ, văn hóa, văn nghệ, tủ thuốc Nam, tổ cứu tế, thăm đau, đỡ đẻ, nuôi đẻ, vần công đổi công... Sự gắn bó bằng các nghề nghiệp hợp pháp này khiến cán bộ hội phụ nữ gắn bó mật thiết với quyền lợi tinh thần vật chất của phụ nữ và đồng bào, qua đó tuyên truyền, giáo dục lãnh đạo chị em chống địch và bảo vệ cơ sở cách mạng.

Trong những ngày đen tối ấy, chính nơi trung tâm quyền lực Mỹ - Diệm ở miền Nam, các cuộc đấu tranh của nhân dân Sài Gòn, trong đó phần lớn là lực lượng phụ nữ luôn diễn ra, như: phong trào phụ nữ thành phố đấu tranh đòi đối phương phải thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định Giơ-ne-vơ;phong trào Hòa bình Sài Gòn… Sau khi Diệm triệt phá phong trào bảo vệ hòa bình, phụ nữ Sài Gòn phát huy khả năng hoạt động hợp pháp, chuyển sang hoạt động cứu tế và bảo vệ sinh mạng, tài sản nhân dân. Bãi thị là hình thức đấu tranh truyền thống và độc đáo của phụ nữ. Suốt 3 năm, từ 1955 -1957, bãi thị là hình thức đấu tranh phổ biến không chỉ của phụ nữ thành phố mà cả phụ nữ nông thôn. Khi chính quyền Diệm đặt cộng sản ngoài vòng pháp luật, Hội Liên hiệp Phụ nữ giải phóng miền Nam Việt Nam đã phát động hàng ngàn cuộc đấu tranh chính trị lớn nhỏ, huy động nhiều tầng lớp phụ nữ tham gia biểu tình phản đối tội ác của Mỹ - Ngụy. Hàng triệu chị em phụ nữ tham gia vào cả “ba mũi giáp công” (đấu tranh chính trị, quân sự, binh vận)…

Ngày 08/3/1961, Hội Liên hiệp Phụ nữ Giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập với vai trò tập hợp phụ nữ miền Nam Việt Nam đoàn kết trên mặt trận giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Các cán bộ Hội trở thành lực lượng nòng cốt hình thành nên các tổ chức công khai và phong trào đấu tranh yêu nước của phụ nữ ở miền Nam, như: Hội Phụ nữ Việt Nam (1955), Hội bảo vệ nhân phẩm và quyền lợi phụ nữ (tháng 6/1966), Phong trào phụ nữ đòi quyền sống (tháng 8/1970), Liên đoàn Phụ nữ Phật tử, Nghiệp đoàn tiểu thương 36 chợ, Hội các bà mẹ có con bị bắt vào tù…Đại hội lần thứ nhất Hội Liên hiệp Phụ nữ Giải phóng miền Nam (tháng 3/1965), đã phát động phong trào thi đua “5 tốt” với nội dung: (1)Đoàn kết đấu tranh chính trị, võ trang, binh vận tốt; (2)Lao động sản xuất, tiết kiệm tốt; (3)Chăm sóc, nuôi dưỡng thương bệnh binh tốt; (4)Học tập văn hóa, chính trị, chuyên môn tốt; (5)Rèn luyện tư cách đạo đức tốt. Ngày 26/6/1966, Hội bảo vệ nhân phẩm và quyền lợi phụ nữ ra đời tại Trường nữ trung học Đức Trí, nhằm bảo vệ nhân phẩm và quyền lợi phụ nữ. Hội đã phát triển nhanh chóng, tập hợp rộng rãi, đông đảo nhiều tầng lớp phụ nữ, từ giới trung lưu, lôi cuốn cả những chị em là viên chức trung và cao cấp của chính quyền Sài Gòn, cả vợ các sĩ quan cao cấp trong chính quyền Mỹ Thiệu, cả giới nữ công nhân, tiểu thương...

Với tuyên ngôn đòi Mỹ rút quân về nước, đòi chấm dứt chiến tranh, đòi thành lập một chính phủ thực sự đại diện cho nhân dân miền Nam, đòi quyền sống cho phụ nữ Việt Nam, đã thu hút đông đảo phụ nữ mọi thành phần xã hội, từ những nữ công nhân các xí nghiệp, lao động các xóm, tiểu thương 149 chợ, nữ Phật tử, gia đình có người thân ở tù, nhiều nhà hoạt động chính trị xã hội, trí thức, nhiều nhà công thương kỹ nghệ…. Liên đoàn phụ nữ Phật tử như: đoàn “Nữ Phật tử giáo chức” do Ban phụ vận Thành ủy chủ trương tổ chức, đoàn “Nữ Phật tử Việt Nam”, đoàn “Nữ Phật tử Long Hoa”... tuy ra đời sau các Hội đoàn Phật tử khác, nhưng đã nhanh chóng tạo được uy tín lớn, tập họp đông đảo đồng bào Phật tử. Phong trào phụ nữ buôn bán nhỏ ở Sài Gòn tuy không kịch liệt như những cuộc đấu tranh khác nhưng rộng lớn, bao gồm 36 chợ Sài Gòn và ngoại thành, rồi lan xa các chợ thị xã miền Tây.

Với những đóng góp vào cuộc đấu tranh chống Mỹ cứu nước, phụ nữ Miền Nam xứng đáng với 8 chữ vàng: “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” mà Đảng Nhân dân cách mạng Miền Nam trao tặng.

Nhân dịp kỷ niệm Ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam năm 1966,Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh giá: “Phong trào 5 tốt của phụ nữ miền Nam, phong trào Ba đảm đang của phụ nữ miền Bắc là phong trào yêu nước nồng nàn và rộng khắp, lôi cuốn đông đảo phụ nữ hai miền thi đua sản xuất, phục vụ chiến đấu, góp phần to lớn vào sự nghiệp chống Mỹ cứu nước của toàn dân” và người đã trao tặng phụ nữ Việt Nam danh hiệu:“Phụ nữ Việt Nam dũng cảm, đảm đang, chống Mỹ, cứu nước”.

Năm 1974, Đại hội phụ nữ toàn quốc lần thứ IV đã đề ra những nhiệm vụ của phong trào phụ nữ cả nước trong nhiệm kỳ, với nội dung chủ yếu: Xây dựng người phụ nữ XHCN, làm tròn nghĩa vụ hậu phương lớn đối với miền Nam và cải tiến chỉ đạo, chuyển mạnh phương thức hoạt động của Hội; góp phần cùng quân và dân cả nước làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975.

IV. HỘI LIÊN HIỆP PHỤ NỮ VIỆT NAM - PHÁT TRIỂN VÀ HỘI NHẬP

Ngày 30/4/1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước độc lập thống nhất, thực hiện xây dựng CNXH. Cùng với nhân dân, phụ nữ cả nước tích cực tham gia thực hiện những nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội của đất nước. Thực hiện Nghị quyết của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc thống nhất các đoàn thể nhân dân, từ ngày 10-12/6/1976, Hội nghị thống nhất Hội LHPN toàn quốc được tổ chức.

Từ năm 1978, Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã phát động phong trào thi đua “Người Phụ nữ mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, thực hiện “Giỏi việc nước, đảm việc nhà, phấn đấu thực hiện nam nữ bình đẳng”. Chị em thi đua lao động sản xuất, công tác, thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị, tích cực chăm lo quyền lợi của phụ nữ và trẻ em. Phong trào được duy trì khoảng 10 năm, đã góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị và quyền dân chủ, bình đẳng, chăm lo quyền lợi của phụ nữ và trẻ em.

Từ năm 1986 đến nay, đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, hoạt động của Hội LHPN Việt Nam cũng được đổi mới về nội dung, phương thức cho phù hợp với tình hình. Từ năm 1989, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã phát động phụ nữ cả nước hưởng ứng hai cuộc vận động “Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế gia đình” và “Nuôi dạy con tốt, góp phần hạn chế trẻ em suy dinh dưỡng và bỏ học”. Chị em đã phát huy truyền thống đoàn kết, tương trợ trong lao động sản xuất, tổ chức tốt cuộc sống gia đình, phấn đấu nâng cao trình độ về mọi mặt, tích cực tham gia trong các lĩnh vực xã hội, thực hiện nhiệm vụ xây dựng và đổi mới đất nước.

Từ năm 1992, Hội đã cụ thể hóa các nội dung hoạt động thành 5 chương trình trọng tâm và phát động 2 phong trào “Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế gia đình” và “Phụ nữ nuôi dạy con tốt, góp phần hạn chế trẻ em suy dinh dưỡng và bỏ học”. Với những đóng góp của phong trào phụ nữ trong sự nghiệp đổi mới, nhân dịp kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam, Tổng Bí thư Đỗ Mười đã thay mặt Đảng và Nhà nước trao tặng Hội LHPN Việt Nam danh hiệu “Phụ nữ Việt Nam trung hậu, đảm đang, tài năng, anh hùng”.

Từ năm 1997, phụ nữ Việt Nam phát động nhiều phong trào, như: “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, nuôi dạy con tốt, xây dựng gia đình hạnh phúc”, “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, cần kiệm xây dựng đất nước”, Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, rèn luyện phẩm chất đạo đức của phụ nữ Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước: “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”…

Trong lĩnh vực chính trị, phụ nữ ngày càng chủ động thực hiện quyền công dân, nghĩa vụ với đất nước. Phụ nữ tham gia cấp ủy, cơ quan dân cử, cơ quan hành chính Nhà nước các cấp đều tăng cả về số lượng và chất lượng. Trong lĩnh vực nông - lâm nghiệp, các tầng lớp phụ nữ hăng hái hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, sản xuất các sản phẩm nông nghiệp giá trị cao, góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và làm thay đổi diện mạo nông thôn. Phụ nữ trong các ngành công nghiệp thi đua “lao động giỏi, lao động sáng tạo”, có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, tăng năng suất, chất lượng, góp phần đưa Việt Nam tham gia ngày càng sâu vào chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu. Phụ nữ ngành giáo dục thi đua “dạy tốt, học tốt”, góp phần đưa chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo vào cuộc sống. Các nữ trí thức, nhà khoa học say mê nghiên cứu, ứng dụng khoa học, tham gia chủ trì nhiều đề tài là cơ sở hoạch định chính sách. Số chị em có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ, được phong hàm Giáo sư, Phó Giáo sư tăng hơn nhiệm kỳ trước và ngày càng được trẻ hóa. Nữ cán bộ ngành y tế với trình độ chuyên môn ngày càng cao, tận tụy với bệnh nhân, đã đóng góp đáng kể vào sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch, phụ nữ vừa tham gia bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, vừa tích cực phát triển các sản phẩm du lịch, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam. Ngày càng có thêm nhiều nữ văn nghệ sĩ với các tác phẩm sáng tạo, khơi dậy và phát huy các giá trị nhân văn trong cộng đồng. Các nữ vận động viên không ngừng rèn luyện, chinh phục đỉnh cao, góp phần làm rạng danh Tổ quốc. Phụ nữ lực lượng vũ trang luôn thể hiện ý chí kiên cường, bản lĩnh cách mạng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Phụ nữ trong lĩnh vực đối ngoại kiên định đấu tranh bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, mở rộng quan hệ hợp tác, nâng cao thế và lực nước ta trên trường quốc tế. Đội ngũ nữ doanh nhân năng động, sáng tạo, vượt khó, tạo việc làm cho hàng triệu lao động, mang lại lợi ích kinh tế cho nước nhà và thực hiện tốt trách nhiệm xã hội. Đại bộ phận nữ thanh niên xung kích đi đầu trong các phong trào tình nguyện. Phụ nữ cao tuổi là chỗ dựa tinh thần, làm gương cho con cháu, tích cực thực hiện phương châm “sống vui, sống khỏe, sống có ích”. Chị em phụ nữ các dân tộc luôn đoàn kết, phát triển sản xuất, phát huy bản sắc văn hóa và chung tay giữ gìn biên cương thân yêu của Tổ quốc. Phụ nữ các tôn giáo tham gia hoạt động thiện nguyện, sống “tốt đời, đẹp đạo”, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Các nhóm phụ nữ yếu thế, dễ bị tổn thương, phụ nữ sống ở khu vực đặc biệt khó khăn đã khắc phục hoàn cảnh, nỗ lực vươn lên. Phụ nữ Việt Nam ở nước ngoài hướng về Tổ quốc, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, đóng góp thiết thực vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Trong gia đình, phụ nữ tiếp tục là điểm tựa tinh thần, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, phấn đấu nuôi dạy thế hệ công dân tương lai của đất nước đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển bền vững.

Hội LHPN Việt Nam đã không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động nhằm đoàn kết, tập hợp, vận động, phát huy tiềm năng, sức sáng tạo của các tầng lớp phụ nữ, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh. Bám sát nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, địa phương, các cấp Hội đã quyết tâm triển khai thắng lợi phong trào thi đua, các cuộc vận động, khâu đột phá và nhiệm vụ trọng tâm, qua đó thực hiện tốt vai trò nòng cốt trong công tác phụ nữ và nâng cao chất lượng đời sống mọi mặt cho hội viên, phụ nữ. Công tác tham mưu đề xuất, tham gia xây dựng, giám sát và phản biện xã hội luật pháp, chính sách về bình đẳng giới được phát huy và có nhiều chuyển biến rõ nét. Công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế được mở rộng. Hội tiếp tục duy trì và phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác với trên 300 tổ chức của hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong bối cảnh viện trợ quốc tế ngày càng thu hẹp, các cấp Hội đã tích cực vận động nguồn lực quốc tế hỗ trợ kỹ thuật và tài chính nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho phụ nữ, đặc biệt phụ nữ yếu thế, phụ nữ khó khăn, phụ nữ ở vùng dân tộc thiểu số.

Với những nỗ lực, đóng góp của hội viên, phụ nữ đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận, trao tặng nhiều phần thưởng cao quý 16.587 huân, huy chương các loại; 2.399 chị được phong tặng các danh hiệu vinh dự Nhà nước; các cấp Hội được tặng 36 Huân chương Độc lập các hạng, 285 Huân chương Lao động các hạng, 53 Cờ thi đua Chính phủ, 787 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

Phần thứ ba

90 NĂM TRƯỞNG THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

CỦA PHỤ NỮ THỪA THIÊN HUẾ

I. PHỤ NỮ THỪA THIÊN HUẾ TRƯỚC KHI ĐẢNG RA ĐỜI

Trước khi Đảng ra đời, cũng như đại đa số nhân dân Việt Nam thời ấy, phụ nữ Thừa Thiên Huế cũng phải chịu ách áp bức của chế độ thực dân - phong kiến. Trong một xã hội phong kiến, lại ở vùng đất kinh đô, phụ nữ Huế chủ yếu lo việc nội trợ, không được bình đẳng như nam giới; người phụ nữ không những không có quyền lợi về chính trị mà còn bị bóc lột nặng nề, bị kìm hãm bởi chính sách ngu dân và những tập tục mê tín dị đoan. Ở thành thị, phụ nữ chủ yếu sống bằng nghề thủ công cổ truyền và buôn bán, họ lại còn bị bóc lột với đủ loại thuế nặng nề. Ở nông thôn, phụ nữ chủ yếu sống bằng nghề làm ruộng, trong khi 80% ruộng đất nằm trong tay giai cấp thống trị; những năm mất mùa đói kém, họ phải đi làm thuê, làm mướn. Trong bối cảnh ấy, đã có nhiều phụ nữ nung nấu ý thức tự giải phóng và góp phần vào công cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm.

Đầu thế kỷ XX, được tiếp cận với ánh sáng mới của phong trào yêu nước, dân chủ đang phát triển ở Huế, nhiều phụ nữ đã có tư tưởng tiến bộ, biết vùng lên chống lại sự áp bức. Họ đã rất kiên trung, bất khuất, đứng vào hàng ngũ đội quân tóc dài trong sự nghiệp chống giặc ngoại xâm, bảo vệ đất nước; góp phần làm nên truyền thống “Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh”.

Ngày 15/6/1926, do yêu cầu giáo dục, vận động phụ nữ tham gia vào các hoạt động xã hội, Nữ công học Hội ở Huế được thành lập ngay tại kinh đô Huế - nơi ngự trị của triều đình phong kiến Nam triều, là tổ chức Hội Phụ nữ đầu tiên ở nước ta có mục đích;tập hợp được đông đảo chị em có tư tưởng tân tiến hoạt động trong khuôn khổ một hội ái hữu hợp pháp với các hình thức, như: học gia chánh, đọc sách báo tiến bộ, diễn thuyết, học và khuếch trương một số nghề thực nghiệm… Hội còn chủ trương chấn hưng công nghệ, khuyến khích dùng hàng nội hóa. Hội còn ra được 3 số báo “Phụ nữ Tùng san” bênh vực cho quyền lợi của phụ nữ và kêu gọi phụ nữ đoàn kết, hăng hái tham gia hoạt động kinh tế - xã hội. Hoạt động của Hội đã gây được tiếng vang lớn trong cả nước.

Năm 1927, phong trào bãi khóa lan rộng khắp hầ

Số lượt xem : 379