Sự kiện nổi bật:

TIÊU ĐIỂM

Cập nhật lúc: 27/09/2021

Dạy học trực tuyến để ứng phó với dịch COVID-19

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, hơn 20 triệu học sinh, sinh viên và gần 2 triệu nhà giáo các cấp học chưa thể tiếp tục theo phương thức dạy học trực tiếp. Chuyển sang dạy học trực tuyến là lựa chọn thích ứng phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Dạy học trực tuyến có nhiều ưu điểm nhưng cũng đặt ra không ít thách thức mà ngành Giáo dục và Đào tạo đã và đang nỗ lực khắc phục, vượt qua.
Giáo viên, học sinh Thủ đô Hà Nội chào cờ trong lễ khai giảng đặc biệt đầu năm học 2021-2022 (Ảnh: Lao Động)

XU HƯỚNG TẤT YẾU

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, khai giảng năm học 2021-2022, Hà Nội và một số tỉnh, thành phố khai giảng trực tuyến hoặc trên truyền hình vào đúng ngày 5/9, đảm bảo các quy định về giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ.Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương đầu tiên thông báo không tổ chức lễ khai giảng mà bắt đầu năm học mới bằng hình thức trực tuyến từ đầu tháng 9 với cấp trung học và giữa tháng 9 với cấp tiểu học. Từ 12/9, nhiều tỉnh, thành phía Nam tổ chức khai giảng muộn qua hình thức trực tuyến hoặc phát trực tiếp trên sóng truyền hình địa phương.

Trong năm học này, hơn 20 triệu học sinh, sinh viên và gần 2 triệu nhà giáo các cấp học chưa thể tiếp tục dạy học và học theo phương thức dạy học trực tiếp. Nhiều cơ sở giáo dục và đào tạo phải đóng cửa kéo dài hoặc chuyển sang dạy học trực tuyến trong điều kiện thiếu sự chuẩn bị và bị động về năng lực đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý và cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật. Tình trạng này bị gián đoạn và kéo dài qua bốn đợt bùng phát dịch COVID-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc bảo đảm chương trình, phương pháp, kế hoạch tổ chức dạy và học, hoạt động của trường, lớp và đến sự phát triển của trẻ em, học sinh, sinh viên cả nước. 

Dạy học trực tuyến (online), dạy học lai ghép (Hybrid), dạy học phối hợp (blended) trực tuyến với trực tiếp (trực diện) là giải pháp được nhiều quốc gia và các tổ chức giáo dục lựa chọn trong thời kỳ COVID-19. Trong đó, dạy học trực tuyến phương pháp giảng dạy khá hiệu quả mà giáo viên và học sinh, sinh viên cần áp dụng một cách có định hướng để truyền tải kiến thức đến học sinh, sinh viên một cách linh hoạt, giúp cho người học theo được mạch bài giảng đạt được mục tiêu của bài học và môn học... Dạy học trực tuyến đã, đang và sẽ trở thành xu hướng được tăng cường, củng cố và dần trở thành một xu thế tất yếu, nhiệm vụ chính trong các nhiệm vụ triển khai năm học để thích ứng với tình hình mới.

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc quyết liệt, trách nhiệm, hiệu quả của cả hệ thống chính trị, ngành Giáo dục và đào tạo ở nước ta đã có nhiều đổi mới, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cải thiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; thay đổi, điều chỉnh các hoạt động dạy học, tổ chức dạy học trực tuyến góp phần phát triển năng lực sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong dạy-học, thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo; mở rộng cơ hội tiếp cận giáo dục cho học sinh, tạo điều kiện để trẻ em, học sinh, sinh viên được học ở mọi nơi, mọi lúc và bảo đảm công tác phòng, chống dịch, thích ứng với tình hình của dịch COVID-19; đồng thời thực hiện tốt phương châm “tạm dừng đến trường, không dừng học” đáp ứng mục tiêu chương trình, kế hoạch công tác của năm học.

Đối với giáo dục mầm non, cấp học tiền đề, chuẩn bị tâm thế cho trẻ bước vào lớp 1, ngành Giáo dục đã thực hiện nhiều các giải pháp, kịch bản ứng phó; xây dựng kế hoạch chăm sóc, nuôi dưỡng, lựa chọn nội dung giáo dục cần thiết đáp ứng yêu cầu chương trình giáo dục mầm non theo quan điểm lấy trẻ em làm trung tâm; linh hoạt trong công tác quản lý, chỉ đạo hướng dẫn giáo viên chủ động điều chỉnh kế hoạch giáo dục phù hợp với khả năng của trẻ em trong mỗi lớp phù hợp với tình hình dịch bệnh kéo dài và phức tạp và theo tình hình thực tế của từng địa phương. Nhờ đó, đảm bảo thực hiện theo mục tiêu của chương trình giáo dục mầm non và định hướng việc chuẩn bị cho trẻ em sẵn sàng vào học lớp 1.

Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng bộ cẩm nang và video hướng dẫn hỗ trợ cha mẹ nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục khi trẻ ở nhà. Các địa phương linh hoạt, sáng tạo trong việc tổ chức, huy động sự tham gia của các cán quản lý giáo dục, giáo viên xây dựng các công cụ hỗ trợ, kho tài liệu, học liệu trực tuyến dùng chung, học liệu để thực hiện kịch bản thực hiện chương trình giáo dục mầm non trong bối cảnh dịch COVID-19. Các kho học liệu (phần mềm tương tác, tài liệu trực tuyến, ngân hàng video,..) được đăng tải để khai thác trên internet thông qua các website, zalo, youtube, facebook đã tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục mầm non có thể sử dụng hoặc chia sẻ giữa các cơ sở với nhau trên cùng địa bàn. Các cơ sở giáo dục mầm non tăng cường công tác phối hợp với gia đình, phụ huynh trong việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ; linh hoạt dạy học trực tuyến trong việc hướng dẫn các hoạt động chăm sóc, giáo dục cho trẻ trên các trang thông tin điện tử của nhà trường, của phòng giáo dục, sở giáo dục và các trang mạng xã hội. Nhiều đơn vị đã làm tốt công tác phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và gia đình (cha mẹ/người chăm sóc trẻ em), cộng đồng để thực hiện một số nội dung, hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em tại nhà trong thời gian trẻ chưa đến trường để phòng, chống dịch COVID-19.

Thời gian qua, nhiều địa phương làm tốt công tác này là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Nghệ An, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Điện Biên… Hà Nội đã phối hợp với các kênh truyền hình Trung ương và địa phương xây dựng chương trình “Đồng hành cùng bé” trên kênh truyền hình Hà Nội, gồm các hoạt động tổ chức và hướng dẫn hỗ trợ cha mẹ về nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Nghệ An xây dựng kế hoạch và đã tổ chức các cuộc hội thảo chuyên môn sâu về việc “Phối hợp giữa gia đình, nhà trường và cộng đồng trong công tác chăm sóc, giáo dục trẻ”, “Hướng dẫn tổ chức các hoạt động hỗ trợ trẻ mẫu giáo 5 tuổi trong giai đoạn chuyển tiếp từ mầm non lên tiểu học”, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ về tư tưởng và hành động phối hợp của các cấp, các ngành, cộng đồng trong công tác xây dựng môi trường giáo dục cho trẻ.

  Học sinh tiểu học trong giờ học online (Ảnh: Dân Trí) 

Đối với giáo dục tiểu học, việc triển khai dạy học trực tuyến, qua truyền hình là giải pháp hữu hiệu của các nhà trường nhằm giúp học sinh không quên kiến thức, duy trì nền nếp học tập. Để triển khai tổ chức dạy học trên truyền hình hiệu quả, phù hợp với đặc trưng cấp tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức xây dựng bộ tài liệu hướng dẫn xây dựng kế hoạch và tổ chức dạy học trên truyền hình thực hiện chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học với mục tiêu xây dựng tài liệu hướng dẫn kỹ thuật, sử dụng phương pháp dạy học qua truyền hình cho giáo viên tiểu học trong thực hiện chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học nhằm trang bị cho giáo viên các phương pháp, kĩ thuật cơ bản trong thực hiện quy trình tổ chức dạy học qua truyền hình. Bộ tài liệu gồm: Tài liệu hướng dẫn kỹ thuật, sử dụng phương pháp dạy học qua truyền hình cho giáo viên tiểu học, đặc biệt vùng khó khăn về hạ tầng công nghệ thông tin không áp dụng được các hình thức dạy học trực tuyến; video bài giảng quy trình và phương pháp, kỹ thuật cơ bản trong thực hiện quy trình tổ chức dạy học qua truyền hình; các video bài dạy minh họa dạy học trên truyền hình một số môn học trong chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học đối với các môn Toán, Tiếng Việt, Lịch sử và Địa lý, Tự nhiên và Xã hội. Các sở giáo dục và đào tạo địa phương đã tích cực phối hợp với đài truyền hình địa phương xây dựng kho bài giảng phù hợp và với chương trình môn học cụ thể, cơ bản đáp ứng đủ số lượng để triển khai thực hiện. Đến nay, đã có đủ kho bài giảng các môn Toán, Tiếng Việt, Lịch Sử-Đại lý, Tự nhiên - Xã hội đối với các lớp 3, lớp 4 và lớp 5.

Năm học 2020-2021 là năm đầu triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới ở lớp 1 nên việc dạy học Tiếng Việt cho học sinh lớp 1 được đặc biệt quan tâm. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chủ trì xây dựng kế hoạch phối hợp thực hiện với Đài truyền hình Việt Nam chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng phó các kịch bản có thể diễn ra do tác động phức tạp của dịch COVID-19Cụ thểđã xây dựng 51 chủ đề Tiếng Việt lớp 1 tại chuyên mục Dạy Tiếng Việt lớp 1” trên kênh VTV 7 của Đài Truyền hình Việt Nam. Các sở giáo dục và đào tạo đã chỉ đạo các trường tiểu học triển khai, hướng dẫn giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh biết tham khảo và thực hiện hiệu quả chuyên mục Dạy Tiếng Việt lớp 1, góp phần hỗ trợ học sinh lớp 1 tự học và ôn tập môn Tiếng Việt trong thời gian nghỉ dịch không đến trường và hỗ trợ học sinh lớp 1 ôn tập để nắm chắc nội dung học tập môn Tiếng Việt trong thời gian nghỉ hè, chuẩn bị tốt cho việc học tập môn Tiếng Việt lớp 2. Trong 51 chủ đề trên, có 15 chủ đề dành riêng cho đối tượng học sinh dân tộc, nhằm mục đích hỗ trợ học sinh dân tộc đọc và viết tiếng Việt đạt yêu cầu, đảm bảo cuối năm học, hầu hết học sinh đạt được yêu cầu cần đạt của môn Tiếng Việt lớp 1, không để tình trạng học sinh không biết đọc, biết viết.

Đối với giáo dục trung học (gồm trung học cơ sở và trung học phổ thông), đã triển khai tổ chức dạy học trực tuyến qua internet và trên truyền hình phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế của dịch COVID-19 và phù hợp với điều kiện của từng trường, bảo đảm tổ chức dạy học qua mạng có chất lượng, bảo đảm theo kế hoạch thời gian năm học của địa phương. Các nhà trường đã linh hoạt sáng tạo trong việc sử dụng các phần mềm, ứng dụng hỗ trợ tích cực trong các hoạt động giáo dục như: ứng dụng Microsoft Teams để tổ chức dạy học trực tuyến, sử dụng Google form để giao bài tập cho học sinh; tổ chuyên môn các trường xây dựng kế hoạch, nội dung ôn tập, ngân hàng đề đăng tải trên website của trường để học sinh theo dõi nghiên cứu bài học, ôn tập. Đặc biệt,một số địa phương khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xã đã chỉ đạo các trường photo bài học và chuyển về cho từng thôn đối với những học sinh không có điều kiện tiếp cận học tập trực tuyến. 

Đối với giáo dục nghề nghiệp, nhằm đảm bảo tiến độ, kế hoạch đào tạo nhưng vẫn đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh, giáo dục nghề nghiệp đang triển khai chuyển đổi số mạnh mẽ; tiếp cận và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý, quản trị, trong hoạt động dạy và học trực tuyến. Nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã chủ động đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tích cực, hiện đại, đẩy mạnh chuyển đổi từ hình thức dạy học truyền thống sang giảng dạy thông qua nền tảng công nghệ số hóa, khuyến khích nhà giáo đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, nâng cao trình độ chuyên môn và năng lực dạy học trực tuyến. Xây dựng hệ thống dữ diệu để áp dụng trong giảng dạy và đào tạo, kết nối các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với các doanh nghiệp trong và ngoài nước tạo điều kiện cho sinh viên đến thực tập và tăng cơ hội việc làm, hỗ trợ học bổng học nghề cho các cơ sở tại các vùng bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh.

Trong điều kiện không thể tổ chức học tập trung, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có thể linh hoạt tổ chức giảng dạy nội dung lý thuyết của toàn bộ chương trình bằng hình thức trực tuyến, khi điều kiện cho phép người học quay lại trường chỉ tổ chức thực hành, thực tập kỹ năng. Đối với các lớp/khóa học chuẩn bị ra trường,  xem xét phương án tổ chức học tập trung tại trường theo mô hình “3 tại chỗ” nhằm đảm bảo tiến độ, kế hoạch đào tạo nhưng vẫn đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh.

Đối với giáo dục đại học, đã có 150 cơ sở giáo dục đại học chuyển hình thức giảng dạy từ trực tiếp sang trực tuyến để phòng chống dịch. Một số cơ sở giáo dục đại học thuộc khối ngành sức khỏe đã bố trí giảng viên, sinh viên tình nguyện hỗ trợ vùng dịch. Tại một số địa phương, tùy theo diễn biến của dịch COVID-19, các cơ sở giáo dục đại học đóng trên địa bàn đã chủ động quyết định việc tổ chức dạy và học theo hình thức trực tuyến hoặc trực tuyến kết hợp trực tiếp trong trường hợp đáp ứng các quy định hiện hành về ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và tổ chức đào tạo qua mạng; kết hợp tăng cường các giải pháp quản lý chất lượng lớp học trực tuyến.

Căn cứ hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở giáo dục đại học triển khai áp dụng quy trình đánh giá các học phần theo hình thức trực tuyến phải đảm bảo trung thực, công bằng và khách quan như đánh giá trực tiếp. Việc tổ chức bảo vệ và đánh giá đồ án, khóa luận trực tuyến ở trình độ đại học phải đáp ứng thêm một số  quy định: đánh giá thông qua một hội đồng chuyên môn gồm ít nhất 3 thành viên; được sự đồng thuận của các thành viên hội đồng và người học; diễn biến của buổi bảo vệ trực tuyến được ghi hình, ghi âm đầy đủ và lưu trữ để phục vụ công tác giám sát, kiểm tra, kiểm định chất lượng giáo dục và thanh tra trong trường hợp có yêu cầu.

Đối với giáo dục thường xuyên, việc triển khai tổ chức dạy học trực tuyến thay thế dạy học trực tiếp; đẩy mạnh việc sử dụng phiếu điều tra điện tử và trực tuyến trong khảo sát nhu cầu học tập của người dân. Tăng cường sử dụng các phương tiện truyền thông (phát thanh, internet, mạng xã hội,…) để tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến kiến thức, kỹ năng, chuyển giao công nghệ sâu rộng đến người dân.

Việc đào tạo trực tuyến được thực hiện qua các công cụ dạy học trực tuyến theo thời gian thực (Microsoft Teams, Zoom, Webex, Google Hangouts Meet,…) hoặc theo hệ thống đào tạo trực tuyến chuyên nghiệp LMS (Learning Management System).

Đối với một số ngành, nghề thuộc lĩnh vực khoa học xã hội hoặc những ngành nghề, môn học, mô đun có nội dung phù hợp, các nhà trường có thể cho phép thực hiện việc thi, kiểm tra theo hình thức trực tuyến gián tiếp (không tập trung tại trường) nhưng phải bảo đảm đánh giá được chính xác, khách quan kết quả học tập của người học và chống được gian lận trong quá trình thi, kiểm tra; diễn biến của buổi thi, kiểm tra trực tuyến được ghi hình, ghi âm đầy đủ và lưu trữ theo quy định.

MỘT SỐ VẤN ĐỀ ĐẶT RA ĐỐI VỚI DẠY HỌC TRỰC TUYẾN

Trong thời gian đầu, việc triển khai hình thức dạy học trực tuyến còn có sự lúng túng. Cán bộ quản lý, giáo viên chưa được tập huấn hình thức dạy học mới; học sinh, sinh viên chưa được chuẩn bị tâm thế; điều kiện hạ tầng kỹ thuật còn tự phát, chưa đồng bộ… Những điều này tác động không nhỏ đến chất lượng, hiệu quả của việc dạy và học. 

Đối với giáo dục mầm non, do dịch COVID-19 kéo dài, trẻ em phải nghỉ ở nhà trong thời gian dài, ảnh hưởng đến nền nếp, thói quen thực hiện chế độ sinh hoạt theo yêu cầu phát triển của độ tuổi. Việc chuyển đổi phương pháp giáo dục mầm non thích ứng với diễn biễn của từng thời điểm dịch còn hạn chế. Các nhà trường thiếu điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị, thiếu nguồn tài liệu, học liệu số. Nhiều cơ sở giáo dục mầm non chưa được đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin để phục vụ công tác phối hợp giữa nhà trường với cha mẹ trong việc nuôi dưỡng chăm sóc giáo dục trẻ; đội ngũ giáo viên mặc dù đã được bồi dưỡng về nghiệp vụ nhưng còn hạn chế trong việc tiếp cận công nghệ để thực hiện chương trình giáo dục mầm non. Đặc biệt, nhiều cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập gặp khó khăn về nguồn kinh phí để chi trả lương cho đội ngũ và các chi phí khác để duy trì hoạt động của trường. Bên cạnh đó, theo quy định, cơ sở giáo dục mầm non không thu được học phí để tổ chức chăm sóc, giáo dục trẻ em mầm non bằng hình thức trực tuyến dẫn đến nguy cơ giáo viên mầm non ngoài công lập chuyển đổi nghề nghiệp, bỏ việc, nhiều đơn vị phải dừng hoạt động và có nguy cơ giải thể.

Một số cơ sở giáo dục và đào tạo ở các cấp học gặp khó khăn khi triển khai dạy học trực tuyến, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh, sinh viên nhất là khi dịch bệnh diễn biến phức tạp trên phạm vi rộng. Với số lượng học sinh, sinh viên chiếm khoảng 25% dân số cả nước, chỉ cần 2 triệu lượt truy cập cùng lúc sẽ rất khó để đường truyền đảm bảo duy trì giờ học được ổn định. Hơn nữa, nhiều gia đình học sinh, sinh viên điều kiện kinh tế khó khăn, không có đủ phương tiện, máy tính để học tập, tiếp cận công nghệ, tiếp thu bài giảng. Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, khoảng 4% học sinh từ lớp 6 đến lớp 12 không có điều kiện tham gia việc học trực tuyến. Ở bậc tiểu học, khoảng 53.349 học sinh không có điều kiện tham gia học trực tuyến (chiếm 8,5%). Trong tổng số gần 700.000 học sinh trung học, khoảng 17.000 học sinh không có thiết bị, không có đường truyền internet, hơn 5.000 học sinh có thiết bị nhưng lại không có đường truyền internet.

Bên cạnh đó, một số địa phương chưa thực sự quan tâm sâu sát chỉ đạo triển khai nội dung Dạy học Tiếng Việt lớp 1” trên truyền hình; chưa chú trọng tăng cường kiểm tra, khảo sát để nắm tình hình triển khai và có phương án hỗ trợ kịp thời giáo viên và học sinh trong quá trình dạy học môn Tiếng Việt lớp 1, lớp học tiền đề giúp cho trẻ phát triển kỹ năng, nhất là các kỹ năng đọc - hiểu và kỹ năng viết (bao gồm viết chính tả và làm văn). Đây là yêu cầu cơ bản phải được thực hiện thuần thục từ các lớp đầu cấp, nhất là lớp 1.

Việc đổi mới phương pháp, hình thức dạy học ở một bộ phận giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục chưa thực sự được chú trọng. Vẫn còn tình trạng quản lý, tổ chức dạy học theo phương pháp truyền thống, nặng về truyền thụ kiến thức một chiều, chưa chú trọng đến việc tổ chức các hoạt động học tập cho học sinh, sinh viên và vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết các tình huống trong thực tiễn. Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, dạy học và kiểm tra, đánh giá còn hạn chế ở một số nơi. Hạ tầng và trang thiết bị công nghệ thông tin ở các địa phương còn thiếu đồng bộ, nhiều nơi còn hạn chế cả về số lượng, chất lượng. Việc triển khai quản lý hồ sơ, sổ điểm điện tử còn hạn chế.

Để khắc phục hạn chế này, các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo (Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội) đã kịp thời ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, chỉ đạo các cấp học tổ chức triển khai dạy học trực tuyến và đánh giá kết quả học tập của học sinh, sinh viên. Từ đó, đã tạo hành lang pháp lý với mục đích hỗ trợ hoặc thay thế dạy học trực tiếp tại cơ sở giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên, giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp nâng cao chất lượng dạy học và hoàn thành chương trình, kế hoạch giáo dục…Thực hiện linh hoạt việc kiểm tra, đánh giá học sinh, sinh viên các cấp học theo hình thức trực tuyến bước đầu học sinh, cha mẹ học sinh và xã hội ủng hộ.

NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG DẠY VÀ HỌC TRONG THỜI GIAN TỚI

Trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, để triển khai nhiệm vụ năm học mới theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương Đảng, Chính phủ, ngành Giáo dục và Đào tạo cần đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tổ chức dạy học an toàn, bảo đảm chương trình và mục tiêu chất lượng giáo dục, tập trung đổi mới mạnh mẽ phương pháp tổ chức dạy học, đa dạng hóa các hình thức tổ chức dạy học để khắc phục, ứng phó với tác động của dịch COVID-19 và các tình huống bất thường khác đối với các cấp học. Để nâng cao chất lượng dạy và học trong thời gian tới, cần chú trọng một số nhiệm vụ trọng tâm như sau:

Thứ nhất, tăng cường công tác tuyên truyền, truyền thông để quán triệt và thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Tích cực thực hiện các giải pháp đảm bảo vừa phòng chống dịch COVID-19 hiệu quả, vừa chủ động thực hiện các phương án, kịch bản cụ thể để tổ chức dạy học phù hợp với diễn biến của dịch bệnh, bảo đảm an toàn về thể chất, tinh thần cho người học; bảo đảm trường học an toànvà khả năng đáp ứng của cơ sở giáo dục và đào tạo và điều kiện thực tế của người học

Thứ  hai, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục và đào tạo xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch năm học linh hoạt và sáng tạo, triển khai hiệu quả các phương pháp và hình thức dạy học tích cực, có chất lượng phù hợp bối cảnh của địa phương.

Tổ chức rà soát, hoàn thiện ban hành các văn bản hướng dẫn dạy học trực tuyến và đào tạo từ xa, phát triển các nguồn học liệu điện tử phong phú, hợp lý, dễ sử dụng. Bổ sung bài giảng xây dựng kho học liệu điện tử kết nối với Hệ Tri thức Việt số hóa chia sẻ dùng chung cho cả nước để sẵn sàng cho tổ chức dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình trong điều kiện dịch COVID-19 diễn biến ngày càng phức tạp, cũng như xuất hiện ngày càng nhiều loại dịch mới, khó lường. Hiện nay, có gần 7.000 bài giảng trực tuyến, trong đó có 1.500 video bài giảng trên truyền hình có chất lượng. Có 14 kênh truyền hình của Trung ương và địa phương thường xuyên phát chương trình ôn tập và dạy học.

Buổi lễ khai giảng online năm học mới 2021-2022 của các em học sinh.

Buổi lễ khai giảng online năm học mới 2021-2022 của học sinh tiểu học.

Tổ chức xây dựng kế hoạch giáo án dạy học trực tuyến bảo đảm các yêu cầu về phương pháp dạy học, kỹ thuật dạy học, thiết bị dạy học và học liệu, phương án kiểm tra, đánh giá trong quá trình dạy học. Tổ chức xây dựng các video bài giảng để tổ chức dạy học trên truyền hình theo chương trình các môn học, hoạt động giáo dục; bảo đảm lịch phát sóng cụ thể theo từng bài học, môn học, lớp học được phổ biến đến các đối tượng người học. Tăng cường kết hợp dạy học qua truyền hình với dạy học trực tiếp tại trường (hình thức học pha trộn- Blended learning), hướng dẫn học sinh, sinh viên tham gia học tập các bài học trên truyền hình phù hợp với kế hoạch giáo dục nhà trường. 

Xây dựng hệ thống đề thi, bài kiểm tra, ngân hàng câu hỏi; chuẩn bị tốt các điều kiện để thực hiệnkiểm tra, đánh giá trực tuyếntheo quy định, bảo đảm chất lượng, chính xác, hiệu quả, công bằng, khách quan, trung thực; đánh giá đúng năng lực của học sinh, sinh viên, phù hợp với tình hình dịch bệnh. Hướng dẫn các cơ sở giáo dục và đào tạo tổ chức tuyển sinh, đào tạo trực tuyến tạo hành lang pháp lý cho cơ sở thực hiện. Đa dạng hóa các hình thức đào tạo, tăng cường đào tạo quốc tế; liên kết với các doanh nghiệp trong quá trình đào tạo để người học am hiểu thực tế vận hành chuỗi cung ứng; bồi dưỡng, cập nhật kiến thức kỹ năng cho người lao động để họ thích nghi với công nghệ mới hoặc đối phó với mất nghề, chuyển nghề do tác động dịch bệnh…

Thứ ba, nâng cao năng lực chuyển đổi số cho đội ngũ giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục và đào tạo thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số để đáp ứng yêu cầu của các phương thức dạy học mới, bao gồm ứng dụng công nghệ giáo dục (Edtech) trong lớp học, ứng dụng các phần mềm Edtech (công nghệ giáo dục) trong phương pháp dạy học, kỹ năng, phương pháp dạy học trên truyền hình cho giáo viên và ứng dụng công nghệ số trong quản lý giáo dục.

Xây dựng cẩm nang và tổ chức tập huấn dạy học trực tuyến cho đội ngũ giáo viên. Hướng dẫn về chuẩn tối thiểu cho một bài giảng trên truyền hình. Giáo viên tăng cường giao nhiệm vụ cho học sinh, sinh viên tự nghiên cứu sách giáo khoa và tài liệu tham khảo, xem video, thí nghiệm mô phỏng để tiếp nhận và vận dụng kiến thức trả lời các câu hỏi, bài tập được giao thực hiện ở nhà hoặc qua mạng; tổ chức cho học sinh, sinh viên báo cáo, thuyết trình, thảo luận, luyện tập, thực hành, kết quả tự học của mình phù hợp trên môi trường mạng.            

Thứ tư, các cơ sở giáo dục và đào tạo chủ động điều chỉnh, tinh giản nội dung, thay đổi phương thức và cập nhật nội dung giáo dục và đào tạo; phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan xây dựng kế hoạch dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình; cung cấp cho người học nhiều kỹ năng mới hơn để đáp ứng yêu cầu thị trường lao động; phát triển kho học liệu điện tử, các video hỗ trợ việc chăm sóc, giáo dục trẻ em, học sinh, sinh viên để sử dụng hiệu quả trong việc tổ chức dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình; khai thác, chia sẻ hiệu quả các công cụ hỗ trợ, kho tài liệu, học liệu trực tuyến.

Thứ năm, Bộ Thông tin và Truyền thông sớm ban hành hướng dẫn sử dụng an toàn các phần mềm, công cụ dạy học trực tuyến; chỉ đạo các tập đoàn, doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin nghiên cứu, phát triển các giải pháp, nền tảng dạy học và học trực tuyến, học liệu số; hỗ trợ các cơ sở giáo dục, học sinh, sinh viên, giáo viên tiếp cận hạ tầng số, dịch vụ truy cập internet tốc độ cao an toàn, dễ sử dụng; chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông xem xét, miễn giảm giá cước truy cập Internet cho học sinh, sinh viên, giáo viên, giá cước sử dụng giải pháp giáo dục, đào tạo và quản lý giáo dục cho các cơ sở giáo dục, giá dịch vụ thuê máy chủ, băng thông phục vụ đào tạo từ xa cho các cơ sở giáo dục đại học.

Thứ sáu, các cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương cần có các giải pháp ưu tiên nguồn lực bảo đảm điều kiện để dạy học trực tuyến, có chính sách hỗ trợ giáo viên, trẻ em, học sinh, sinh viên khó khăn không có phương tiện để dạy và học trực tuyến, tiếp cận phương thức dạy học mới. Huy động các nguồn lực từ các tổ chức, doanh nghiệp, tập đoàn hỗ trợ, tạo điều kiện cho các nhà trường, gia đình học sinh, sinh viên, giáo viên gặp khó khăn về tài chính, cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, công nghệ  để trang bị thiết bị dạy và học tối thiểu phục vụ học tập và giảng dạy trực tuyến, phù hợp phương thức dạy học mới.  

TS. Lê Thị Mai Hoa

Ban Tuyên giáo Trung ương

 

Số lượt xem : 41466