Sự kiện nổi bật:

NGHIÊN CỨU

Cập nhật lúc: 27/09/2021

Bài 3: Trọng trách phát triển tư tưởng, lý luận của Việt Nam hiện nay

Thách thức đối với sự phát triển và tiền đồ của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay, bắt đầu từ công tác tư tưởng, lý luận.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì họp Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII của Đảng_Ảnh: TTXVN

PHẢI TỰ VẠCH RA CON ĐƯỜNG PHÁT TRIỂN RIÊNG

Công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ vì chủ nghĩa xã hội Việt Nam đã, đang và tiếp tục phải tự vạch ra con đường phát triển riêng cho mình phù hợp với mình và thế giới, không ai có thể thay thế chúng ta hoặc càng không thể nhập khẩu mô hình hoặc kinh nghiệm từ bên ngoài vào.

Đó chính là con đường phát triển dân tộc độc lập và hùng cường, nhân dân tự do và hạnh phúc, quốc gia phát triển bền vững và hội nhập toàn cầu, dưới ngọn cờ xã hội chủ nghĩa. Con đường riêng đó đã khẳng định sức sống của nó, không gì có thể phủ nhận. 

Với nhan đề: “Chào buổi sáng, Việt Nam” (Guten Morgen, Vietnam) của Đài Truyền hình Đức 3 Sat, ngày 18/11/2011, lời bình nhấn mạnh: Với mức tăng trưởng kinh tế từ 5-9% trong suốt thập niên qua và thu nhập bình quân đầu người tăng gấp đôi trong khoảng thời gian này, Việt Nam là một trong những nước có sự phát triển kinh tế kỳ diệu ở châu Á; là quốc gia thành công nhất trên thế giới trong cuộc xóa đói, giảm nghèo. Và, ông U-ê-đa Côi-chi-rô (Nhật Bản), ngay từ năm 2006, ghi nhận rằng: Đường lối đổi mới trong đó kết hợp kinh tế thị trường với kế hoạch, tiến lên chủ nghĩa xã hội trên cơ sở công nhận sự tồn tại của nhiều thành phần kinh tế là con đường của những người mở đường mới mẻ trong lịch sử. Chúng tôi hy vọng rằng Đảng Cộng sản Việt Nam và nhân dân Việt Nam, đã từng chiến thắng trong cuộc đấu tranh đầy gian khổ trước đây, sẽ thành công trước thách thức mới trên chặng đường mà chưa một ai đi qua.

Ngày 12/6/2020, trong cuộc trả lời phỏng vấn báo điện tử Vietnamnet, Giám đốc Ngân hàng Thế giới, tại Việt Nam, Ousmane Dione khuyến cáo Việt Nam, về giấc mơ “kỳ tích sông Hồng”, như người Hàn Quốc từng mơ giấc mơ sông Hàn. Ông nói: Tựu trung lại là làm thế nào để giúp Việt Nam tiến lên phía trước, người dân có cuộc sống tốt đẹp hơn. Tôi cho rằng lộ trình phát triển của Việt Nam là rất rộng. Dù có đại dịch COVID-19, nhưng chưa bao giờ Việt Nam lại mạnh mẽ, sẵn sàng như vậy để hướng đến con đường phát triển tới đây. Việt Nam thuộc nhóm rất nhỏ các nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng dương trong khi nền kinh tế thế giới tăng trưởng âm qua đại dịch. Đó là nền tảng rất quan trọng. Đổi mới là một quá trình tuyệt vời giúp Việt Nam thoát nghèo đói, trở thành quốc gia thu nhập trung bình. Nhưng để tiếp tục vươn lên, chúng ta cần một cuộc Đổi mới phải khác với cuộc Đổi mới trước đây. Để vượt qua được ngưỡng này, đòi hỏi Việt Nam phải có một quá trình Đổi mới tiếp theo tới đây khác với quá trình Đổi mới hơn 30 năm vừa qua. Vận mệnh Việt Nam đang nằm trong tay các bạn. Nếu có bước chuyển đổi chính xác thì Việt Nam trong vòng 5-6 năm tới đây, sẽ trở thành quốc gia có thu nhập cao. Bước chuyển hướng này rất quan trọng.

Vì vậy, hơn bao giờ hết, công tác tư tưởng, lý luận tiếp tục thấu triệt, rằng, nếu lúc nào và ở đâu sự ảo tưởng, thiển cận, thiên kiến, hẹp hòi, cô độc hay sự cơ hội, giáo điều, rập khuôn, dao động, bạc nhược, nhất là sự do dự, thúc thủ và thoái bộ thì khi đó và ở đó nhất định dẫn tới sự hèn nhát, tự đầu hàng, tự thoái bộ, tự tụt hậu và nhất định sẽ tự cáo chung sứ mệnh và vai trò của mình về mặt tư tưởng và lý luận. Nói cách khác, đó cũng chính là thách thức đối với sự phát triển và tiền đồ của chủ nghĩa xã hội hiện nay, bắt đầu từ công tác tư tưởng, lý luận.

GIẢI QUYẾT ĐỒNG BỘ VÀ THỐNG NHẤT 6 CÔNG VIỆC NỔI BẬT VÀ CẤP BÁCH

Theo đó, trong rất nhiều trọng sự, tiếp tục giải quyết đồng bộ và thống nhất 6 loại công việc nổi bật và cấp bách, trong cuộc đấu tranh tư tưởng, lý luận hiện nay:

Thứ nhất, về khoa học chính trị và niềm tin chính trị.

Chủ nghĩa xã hội sở dĩ trở thành khoa học bởi nó đứng vững và phát triển ngay trên mảnh đất hiện thực của chính nó. Khi sự phát triển của chủ nghĩa xã hội chính là sự phát triển thống nhất trong đa dạng một cách độc lập, khoa học và sáng tạo thì việc tìm tòi và lựa chọn con đường, phương thức kiến tạo riêng của chủ nghĩa xã hội Việt Nam đối với công tác tư tưởng, lý luận càng trở nên cấp bách, nếu không nói là có ý nghĩa thành bại. Nói như Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngay từ năm 1953: Tùy hoàn cảnh, mà các dân tộc phát triển theo con đường khác nhau. Có nước thì đi thẳng đến chủ nghĩa xã hội (cộng sản) như Liên Xô. Có nước thì phải kinh qua chế độ dân chủ mới, rồi tiến lên chủ nghĩa xã hội (cộng sản) - như các nước Đông Âu, Trung Quốc, Việt Nam ta… Ta có thể đi con đường khác để tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu tại lễ kỷ niệm lần thứ 35 ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 3/2/1965. (Ảnh tư liệu)

Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu tại lễ kỷ niệm lần thứ 35 ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 3/2/1965. (Ảnh tư liệu)

Nhìn rộng ra, chủ nghĩa tư bản phát triển không phải như một cuộc duyệt binh: Hoa Kỳ, Pháp khác Anh, Đức, Tây Ban Nha, Nhật Bản lại rất khác Italia, Bồ Đào Nha…; chủ nghĩa tư bản ở châu Âu cũng không giống chủ nghĩa tư bản ở chấu Á, tất nhiên rất khác với chủ nghĩa tư bản ở các châu lục còn lại của thế giới. Nhưng, tất cả vẫn nguyên vẹn là chủ nghĩa tư bản. Đó là một nguồn tham chiếu tư tưởng, lý luận của chúng ta.

Vì vậy, mối liên hệ giữa khoa học và cách mạng - bản chất của cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa mà các nước xây dựng chủ nghĩa xử lý không giống nhau - công tác tư tưởng, lý luận tiếp tục phải nắm lấy và góp phần giải quyết về mặt chính trị trong việc xây dựng đường lối và các quyết sách chính trị. Niềm tin chính chính trị chính là xuất phát từ đây. Niềm tin chính trị phải đặt trên cơ sở khoa học chính trị; và ngược lại. Nếu không cả hai cùng thất bại, mà trước hết và trực tiếp là bảo vệ và phát triển niềm tin chính trị của Nhân dân. Khi mất niềm tin là mất hết. Bài học từ thực tế, lúc này hơn hết bao giờ, ngày càng nghiêm khắc cảnh cáo: "Không ai có thể tiêu diệt được chúng ta, ngoài những sai lầm của bản thân chúng ta. Toàn bộ vấn đề là ở chữ "nếu" này. Nếu chúng ta do sai lầm mà gây ra sự chia rẽ thì tất cả sẽ sụp đổ...".

Thứ hai, về tầm nhìn chính trị chiến lược và khát vọng phát triển.

Công tác tư tưởng, lý luận phải lĩnh nhiệm trọng trách hoạch định tầm nhìn chiến lược quốc gia. Lịch sử xác tín, con mắt thiển cận thì không thể vạch đường đi xa, không thể hành động ngang tầm thời cuộc mà sẽ chỉ quẩn quanh trước thềm nhà hay thất bại ngay trong ý nghĩ, ngay từ  bước khởi đầu! Nhìn xa và nhìn lại chính mình để đi xa, để không rơi vào hoang tưởng và thất vọng! Con đường phát triển Việt Nam trong tầm nhìn chiến lược tới năm 2030  là con đường xã hội chủ nghĩa hiện thực Việt Nam! Đó là sự lựa chọn tất yếu, là nguyên tắc phát triển phù hợp Việt Nam và thời đại ngày nay! 

Không biết quốc gia đứng ở đâu nhất định sẽ không thể dẫn dắt quốc gia đi tới đâu và đi như thế nào. Việt Nam độc lập, thống nhất, công nghiệp, hiện đại, phồn thịnh, hùng cường và văn hiến, giữ vị thế xứng đáng trên trường quốc tế. Đó là định vị chiến lược phát triển Việt Nam!

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Không một quốc gia phát triển nào, kể suốt xưa nay, để trở nên hùng cường, không tụ hội, giữ lấy và trọng dụng nhân tài. Tôn tài ắt đại thịnh. Tài không đợi tuổi. Tài không kể tuổi. Tài không nệ tuổi! Nguyên khí quốc gia ấy phải được muôn Dân bảo vệ và nuôi dưỡng, bằng bất kể giá nào! Đảng không ngừng tự mình trở thành tinh hoa Dân tộc, nỗ lực phấn đấu, hy sinh sao cho xứng đáng là người dẫn dắt Quốc gia.

Bảo vệ và vun đắp Lòng tin của Nhân dân - Quốc bảo Việt Nam! Đó chính là cái tôn quý nhất của Đất nước, tài sản vô giá và to lớn nhất của cách mạng Việt Nam!  

Việt Nam giữ lấy và nhân lên triết lý của sự phát triển mạnh mẽ, bền vững và nhân văn. Hội nhập thế giới nhưng đất nước quyết không vọng ngoại, mà để thâu thái tinh hoa, hòa mục, để cầu thị và phát triển tự cường, mà không rơi vào cô độc và bị cô lập, với tư cách là một quốc gia độc lập. Chỉ có tự cường mới chủ động hội nhập quốc tế thật sự bình đẳng, ngang tầm và hiệu quả! Chỉ có tự cường mới thật sự Độc lập Tự do, mới thật sự là chính mình và tự quyết nắm lấy cơ hội vượt lên.

Theo đó, công tác tư tưởng lý luận phát triển và bảo vệ tầm nhìn chính trị chiến lược ấy và thổi bùng lên khát vọng Việt Nam hùng cường. Vì, khát vọng đó luôn là điểm xuất phát cho mọi thành công của tương lai. Khát vọng và hành động vì khát vọng là ngọn nguồn của mọi thành công.  Khi quốc gia độc lập - Tổ quốc tự tôn - Mỗi người tự trọng - Dân tộc đoàn kết - Hội nhập bốn bể thì nhất định đất nước Tự cường! Điều đó phải trở thành phương châm hành động trước hết của công tác tư tưởng, lý luận vì tầm nhìn phát triển chiến lược và khát vọng Việt Nam hùng cường.

Thứ ba, về kiến tạo lực lượng và tổ chức bộ máy công tác tư tưởng, lý luận.

Hoạt động trong lĩnh vực tư tưởng, lý luận trước hết phải bao gồm trước hết  những người có khả năng, tư chất và hành động thực tiễn về tư tưởng, lý luận, trực tiếp là lý luận chính trị. Tôn tài thì đại thịnh và phải hội tụ, chăm lo và phát triển trước hết đội ngũ này! Nói như cổ nhân: Khi sỹ phu ngoảnh mặt, thì tất đại bại, trước hết trên phương diện xây dựng lực lượng tư tưởng, lý luận.

Sàng lọc chặt chẽ theo phương châm “tùy việc chọn người” nhằm chấm dứt tình trạng những người có tư tưởng thì đứng ngoài tư tưởng và những người không có lý luận thì tham gia hoạch định quyết sách chính trị, thậm chí quyết định chính trị. Nói một cách hình ảnh, đó là những ông “Đông Quách tiên sinh” dựa dẫm, những kẻ “đạo vị” kém liêm sỉ, những người “danh hão”, “đạo văn” ô nhục, “ăn theo nói leo”, mang “gan thỏ đế”, “vinh thân phì gia”… làm nát chính sự. Đồng thời, tiếp tục chỉnh đốn nghiêm nhặt, loại bỏ những con “kỳ đà cản mũi” hợm hĩnh, “ruồi trên đầu hổ” vô nhân tâm, nhất là những kẻ hoạt đầu ô trọc, “đục nước béo cò” , “sống chết mặc bay”, những kẻ ba phải, dân túy… Đây chính là mầm họa có nguy cơ làm nảy nòi lợi ích nhóm và những nhóm lợi ích, dung dưỡng chủ nghĩa phường hội, nạn cát cứ “sứ quân”, làm chao đảo, lệch lạc đường lối, nói như Chủ tịch Hồ Chí Minh, những loại này “nguy hiểm hơn cả Việt gian, mật thám” ngay từ trong “tướng phủ”, có nguy cơ băm nhỏ, phương hại quyết sách, chà xéo lợi ích quốc gia. 

Muốn làm công tác tư tưởng, tư tưởng mỗi người phải xứng đáng là một nhà tư tưởng, một nhà lý luận chính trị, trước hết về nhân cách chính trị, bản lĩnh chính trị và đạo đức chính trị. Vì, đó là hình ảnh mẫu mực của thể chế chính trị biểu hiện trong tầm nhìn, liêm sỉ, dũng khí, cá tính sáng tạo và óc phản biện cầu thị chính trị của người làm lý luận.

Tiếp tục tổ chức bộ máy làm công tác tư tưởng, lý luận theo hướng: gọn nhẹ, tinh hoa, chuyên nghiệp, hiện đại và liên thông các binh chủng trên hai phương diện tư tưởng và lý luận làm rường cột trong tổng thể tổ chức cấu tạo từng bộ máy trong bộ máy tổng thể của hệ thống chính trị.

Thứ tư, về cơ chế vận hành phát triển và đấu tranh tư tưởng, lý luận.

Theo chức năng, phân định một cách độc lập tương đối trong chỉnh thể công tác tư tưởng, lý luận là người đi tiên phong đồng thời cũng là người về sau cùng. Nói một cách khác, là người mở đường về tư tưởng đồng thời là người tổng kết về kinh nghiệm, phát triển lý luận hợp thành tổng thể công tác tư tưởng, lý luận. Đây là công việc rất to lớn, nặng nề.        

Khoa học chính trị làm rường cột cùng với các khoa học liên ngành khác (khoa học tự nhiên, khoa học công nghệ, khoa học nông nghiệp….) hợp thành chỉnh thể công tác tư tưởng, lý luận, tham mưu và tham gia hoạch định những quyết sách chính trị chung và trên trên từng lĩnh vực. Cùng với nghiên cứu cơ bản, hết sức coi trọng nghiên cứu ứng dụng và nghiên cứu triển khai; qua đó sơ kết, tổng kết, phát triển lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Cần nhấn mạnh ở đây, việc nghiên cứu cơ bản phải được tổ chức thật sự hệ thống và thật sự xứng tầm; đồng thời chủ động tổng kết thực tiễn, không ngừng phát triển lý luận là mục tiêu hoạch định đường lối chính trị của Đảng và những quyết sách chính trị khác. Vì, nếu không như vậy, rất dễ phạm sai lầm trên những phương diện, những vấn đề cụ thể; càng rất khó khăn trong việc tổng kết, phát triển và đấu tranh một cách chủ động, hiệu quả bảo vệ nền tảng tư tưởng chính trị của công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế hiện nay.  

Bảo đảm sự thống nhất giữa tư tưởng - lý luận - và thực tiễn mang tính chỉnh thể; kết hợp chẽ công tác tuyên truyền, cổ động với nghiên cứu tổng kết, phát triển lý luận nhằm tạo sự thống nhất về tư tưởng, sự đột phá sáng tạo về lý luận bằng tổ chức thực tiễn và tổng kết thực tiễn; tăng cường đối thoại một cách dân chủ và cầu thị. Lúc này, hơn lúc nào hết, một bước tiễn của thực tiễn đổi mới xây dựng chủ nghĩa xã hội có giá trị đặc biệt trong việc phát triển tư tưởng, lý luận, bảo vệ trực tiếp nền tảng tư tưởng và thực tiễn đổi mới; phát triển và làm phong phú kho tàng của chủ nghĩa xã hội nói riêng, chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh hiện nay.  

Phối hợp đồng bộ, thống nhất các binh chủng tư tưởng, lý luận, theo chức năng, nhiệm vụ giữa nhà trường - học viện với báo chí truyền thông và cơ quan nghiên cứu lý luận và các ngành, địa phương và tham chiếu mạng xã hội để hoạch định những công việc lớn, dành sự ưu tiên thích đáng một cách toàn diện.

Thứ năm, về sự hợp tác quốc tế và tham chiếu phát triển tư tưởng, lý luận.

Tư tưởng, lý luận tự nó không có biên giới. Trong thế giới phẳng, với sự phát triển của công nghệ thông tin, phát triển của mạng xã hội trên nền tảng internet và hiện nay, mọi sự hạn chế không gian về tư tưởng, lý luận đều trở nên chật hẹp và bị dỡ bỏ và san phẳng, dù muốn hay không.

Theo đó, công tác tư tưởng, lý luận hiện nay đang đối diện với những thời cơ, thuận lợi và đồng thời là những nguy cơ, thách thức mới chưa bao giờ có: bão tố thông tin mạnh mẽ và sự chia sẻ thông tin, chiến tranh không gian mạng trên mọi lĩnh vực, xung đột và khủng bố tư tưởng, chủ nghĩa dân tộc cực đoan vùng dậy, chủ nghĩa dân túy tái sinh và bành trướng, khuynh đảo chính trị, sự trỗi dậy của chủ nghĩa cá nhân dưới mọi hình thức, v.v… 

Phương châm chung là phải chủ động và cầu thị nắm lấy và giải quyết toàn bộ điều đó, để mở rộng mọi con đường và mức độ phát triển và bảo vệ tư tưởng, lý luận một cách đa diện, phong phú, hiệu quả và thiết thực của chúng ta.

Trước hết, chú trọng hợp tác song phương, dưới mọi quy mô và hình thức trao đổi, tham chiếu về tư tưởng, lý luận. Cổ vũ và nhân lên những hình thức song phương chính là phát triển đa phương một cách chủ động và hiệu quả, nhất là những vấn đề nghiên cứu lý luận cơ bản và nghiên cứu ứng dụng ở mọi cấp độ.

Kết hợp chặt chẽ hợp tác song phương với hợp tác đa phương, dưới quy mô và hình thức phù hợp, nhằm tập trung nghiên cứu, trao đổi những vấn đề lý luận cơ bản, nhất là những vấn đề chúng ta còn thiếu, còn đang bỏ ngỏ.

Cầu thị nhưng không ảo tưởng, không huyễn hoặc hay rụt rè, co thủ, càng không kỳ thị, xa lánh… bảo đảm việc hợp tác, tham chiếu tư tưởng, lý luận thật sự ngang tầm, cụ thể và thiết thực.

Thứ sáu, về tham chiếu định chế và thực thi nghiêm chế tài nhằm bảo vệ và phát triển tư tưởng, lý luận xã hội chủ nghĩa.

Tự do, dân chủ và đối thoại là động lực phát triển của tư tưởng, lý luận.

Nhưng, nó sẽ trở thành phản động lực khi nhân danh cá nhân, lợi dụng nhân quyền để sử dụng tự do, dân chủ nhằm xâm phạm tự do, dân chủ về tư tưởng nhằm bôi nhọ, xúc phạm người khác; nhân danh đối thoại dân chủ lý luận để công kích,  bôi nhọ lý luận gia, chính trị gia và xâm hại lợi ích quốc gia, dân tộc, dưới mọi hình thức, mọi môi trường và mọi mức độ. Tự do báo chí, tự do internet, dân chủ mạng xã hội không có nghĩa là tự do tuyệt đối, dân chủ vô giới hạn.

Tất cả đều được hành xử theo luật pháp và thông lệ quốc tế một cách kiên quyết, không ngoại lệ, không miễn trừ một ai, một tổ chức nào.

Từ châu Á tới châu Âu - nơi các thiết chế vốn tự coi là dân chủ nhất đối với báo chí hay các phương tiện truyền thông khác như: mạng xã hội, nạn tin giả, tin thất thiệt - buộc rất nhiều nước phải vào cuộc bằng những chế tài thật nghiêm khắc.

Tháng 3/2017, Bản báo cáo của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) được công bố, có 42/57 quốc gia tham gia tổ chức này đã hình sự hóa tội tung tin giả bôi nhọ thanh danh và sỉ nhục cá nhân. Phạt tù là hình thức được áp dụng nhiều nhất, sau đó là phạt tiền, lao động công ích và tước bỏ các quyền chính trị. 

Tại Hàn Quốc, người dùng phải cung cấp tên thật trên tất cả các nội dung bình luận, nhận xét trên mạng. Đây là quy định chặt chẽ hơn so với nhiều nước khi phần lớn không bắt buộc phải nêu rõ tên thật khi chat, bình luận. Tại Singapore, nhằm thắt chặt an ninh, tất cả các máy tính được sử dụng bởi công chức đã bị cắt mạng internet từ tháng 5/2017. Ở Anh, tháng 8/2011, Thủ tướng Anh David Cameron tuyên bố: Chính phủ sẽ trừng trị nghiêm khắc những phần tử sử dụng các trang mạng xã hội và phương tiện truyền thông xã hội để âm mưu gây bạo loạn và bất ổn xã hội. Tại Mỹ, đầu tháng 9/2016, tờ The Huffington Post đã đuổi việc một phóng viên vì người này đã viết bài bịa đặt về tình hình sức khỏe của ứng viên nữ Tổng thống Mỹ - bà Hillary Clinton. Các hành động lợi dụng internet để xúc phạm người khác, nguy hại hơn là xâm phạm an ninh quốc gia, chống phá đất nước thì không có quốc gia nào dung túng.   

Tại Cộng hòa Liên bang Đức, hình phạt cho việc bôi nhọ thanh danh “một cá nhân liên quan đến đời sống chính trị” theo cách khiến các hoạt động ngoài cộng đồng của họ “trở nên khó khăn đáng kể”, có thể lên tới 5 năm tù. Tháng 6/2017, Đức thông qua Luật Cưỡng chế hành vi sai phạm trên mạng, với các điều khoản các mạng xã hội như Facebook, Youtube... sẽ phải gỡ bỏ các bài viết có nội dung sai lệch/bôi nhọ “rõ ràng trái với luật pháp” trong vòng 24 giờ, sau khi được thông báo. Nếu không thực hiện, các mạng xã hội sẽ phải đối mặt với mức phạt tới 50 triệu euro. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Đức Hây-kô Mat, khi đó, tuyên bố: Tương tự như ở ngoài cuộc sống, chúng ta không nên có bất kỳ khoan nhượng nào đối với các hành vi phạm tội hình sự trên mạng xã hội. Luật Hình sự Hà Lan quy định, mức phạt tù cao nhất (hiện là 5 năm); đối với tội bôi nhọ thanh danh cơ quan chính quyền/công quyền, nhân viên nhà nước, mức hình phạt tăng thêm 1/3 thời gian đó. 

Ở những đất nước theo chế độ quân chủ lập hiến, việc tung tin đồn thất thiệt bôi nhọ và xúc phạm các thành viên hoàng tộc, phải đối mặt với những hình thức phạt nghiêm khắc. Tại Cô-oét, bất kỳ hành động phê phán người đứng đầu đất nước đều có khả năng bị phạt tù 5 năm, thậm chí bị lưu đày. Tại Ả-rập Xê-út, việc xúc phạm nhà vua được coi là hành động khủng bố. Ở Thái Lan, hình phạt cao nhất cho hành vi bôi nhọ, xúc phạm hoặc đe dọa nhà vua, là 15 năm tù. Hình phạt nặng nề nhất có lẽ đến từ Iran. Những ai xúc phạm Nhà tiên tri Mô-ha-mét có thể phải lĩnh án tử hình. Hành vi bôi nhọ các nhà lãnh đạo đất nước phải đối mặt với bị phạt tù, phạt tiền.

Vì tự do và cho tự do của mỗi người và toàn cộng đồng, một cách văn minh và tiến bộ, dù ngay cả trên không gian mạng, chúng ta kiên định và nghiêm khắc thực thi dân chủ và pháp quyền trong việc giữ vững và bảo vệ tự do chính trị, tự do tư tưởng và tự do lý luận, vì Tổ quốc Việt Nam độc lập, thống nhất, dân chủ, hùng cường phát triển xã hội chủ nghĩa, vì hòa bình và tiến bộ của nhân loại, trong thế kỷ XXI. 

Tới đây, lại chợt nhớ lời Cụ Lương Khải Siêu khuyên Cụ Phan Bội Châu, vào những năm 20 của thế kỷ XX, rằng: Quý quốc chớ lo không có ngày độc lập, mà chỉ nên lo quốc dân không có đủ tư cách độc lập mà thôi. Điều này mới thật sự cần kíp trong tiến trình tiếp tục đổi mới, phát triển công tác tư tưởng, lý luận độc lập và sáng tạo vì và cho chủ nghĩa xã hội Việt Nam hiện nay./.

TS. Nhị Lê 

Nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản

 

Số lượt xem : 41850