Sự kiện nổi bật:

THÔNG TIN

Cập nhật lúc: 07/05/2021

Tỷ lệ người dân Việt Nam hài lòng với các biện pháp của chính phủ trong kiểm soát đại dịch COVID-19 cao nhất thế giới

(TG) - Việt Nam xếp ở vị trí đầu bảng khi có tới 96% số ý kiến bày tỏ hài lòng với công tác phòng chống đại dịch COVID-19 của chính phủ.
 
Bộ Y tế phát động chiến dịch truyền thông: "Niềm tin chiến thắng", chung tay đẩy lùi dịch bệnh Covid-19

Ngày 5/5, phóng viên TTXVN tại châu Âu dẫn kết quả thăm dò dư luận do Viện nghiên cứu thị trường Latana thực hiện cho biết phần lớn người dân trên khắp thế giới ngày càng ít hài lòng với cách phòng chống dịch COVID-19 của chính phủ nước họ. Khảo sát được thực hiện từ ngày 24/2-14/4 với hơn 50.000 người ở 53 quốc gia và khu vực, chiếm trên 3/4 dân số thế giới.

Trong khi mức độ hài lòng của người dân đối với chiến lược xử lý khủng hoảng của chính phủ trong đại dịch COVID-19 ở nhiều nước, khu vực trên thế giới giảm mạnh thì ở Việt Nam, người dân vẫn rất hài lòng với các biện pháp chống dịch của chính phủ và tỷ lệ hài lòng đạt mức cao nhất thế giới.

Về cách thức phản ứng của các chính phủ với đại dịch COVID-19, người dân trên thế giới chia rẽ mạnh khi có trung bình 58% số người được hỏi đánh giá chính phủ nước họ phản ứng tốt với đại dịch.

Trong danh sách này, Việt Nam xếp ở vị trí đầu bảng khi có tới 96% số ý kiến bày tỏ hài lòng với công tác phòng chống đại dịch COVID-19 của chính phủ.

Tiếp đến là Trung Quốc với tỷ lệ hài lòng là 93%. Nhìn chung, các nước châu Á có tỷ lệ hài lòng trung bình cao nhất (75%), tiếp đến là châu Âu (45%) và Mỹ Latinh (42%). Tỷ lệ hài lòng của người dân với cách xử lý dịch của chính quyền Brazil ở mức thấp nhất là 19%. Tại Đức, tỷ lệ này cũng giảm mạnh. Nếu mùa Xuân năm ngoái có tới 71% số ý kiến bày tỏ hài lòng với cách chống dịch của chính phủ thì nay tỷ lệ này đã giảm xuống còn 48%.

Nghiên cứu trên đã được nhiều trang báo của Đức đăng tải, trong đó đều nhấn mạnh tỷ lệ hài lòng của người dân với chiến lược của chính phủ trong phòng chống dịch COVID-19 đặc biệt cao ở Việt Nam, trong khi thấp nhất ở khu vực Mỹ Latinh và châu Âu./.

TG tổng hợp

 

Số lượt xem : 5521