Sự kiện nổi bật:

Hoạt động của mặt trận và đoàn thể

Cập nhật lúc: 28/07/2021

Gương Cựu chiến binh làm kinh tế giỏi ở Hương Trà

Với phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, thương binh Nguyễn Phi (ở tổ dân phố An Đô, Hương Chữ) đã nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế, góp sức xây dựng quê hương.

Năm 1984, chàng thanh niên 21 tuổi Nguyễn Phi nhập ngũ tham gia chiến đấu ở chiến trường biên giới Tây Nam (Campuchia), đến 1988, xuất ngũ trở về địa phương – là thương binh 4/4. Những năm đầu về quê, cuộc sống của gia đình còn nhiều khó khăn. Tuy vậy, bằng tinh thần, nghị lực của người lính, người thương binh Nguyễn Phi luôn trăn trở tìm hướng đi, phát triển kinh tế với quyết tâm thoát khỏi đói nghèo. Ông tích cực tìm hiểu, bắt tay mở cơ sở xay xát gạo cho bà con địa phương. Khi đã có vốn, ông kết hợp thu mua và tạm trữ lúa. Đồng thời, từ 5 sào đất của gia đình, người thương binh Nguyễn Phi học hỏi kinh nghiệm trồng trọt, sản xuất nông nghiệp, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và đã thành công với mô hình trồng rau màu trái vụ: mướp đắng, bí đao, hành lá… cho thu hoạch quanh năm.

Dẫn chúng tôi ra thăm cánh đồng trồng hành ở An Đô, dưới trời nắng gắt, từng luống hành lá thẳng tắp tươi xanh. Ông Phi hồ hởi nói: “Thay vì trồng lúa, tôi chuyển toàn bộ diện tích đất sang trồng hành lá, rau củ quả, đầu tư máy đánh vồng đất, hệ thống tưới xoay phun mưa nên luôn cung cấp đủ độ ẩm cho đất, mùa nào rau màu cũng phát triển tốt, đảm bảo chất lượng”. Ông Phi nhẩm tính, 3 sào hành lá mang lại thu nhập 75 triệu đồng, mỗi năm gia đình trồng 4 vụ. Cây bí đao bán thu về 30 triệu đồng mỗi năm. Bí, bầu, mướp trái vụ đem lại thu nhập đáng kể, ngoài máy xay xát gạo phục vụ cho cả khu vực An Đô, Phụ Ổ… Vào vụ, gia đình ông còn phải thuê thêm nhân công, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương.

Không chỉ năng động, hoạt bát trong lao động, sản xuất, gia đình ông Phi còn thường xuyên hỗ trợ bà con trong làm ăn kinh tế, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, hướng dẫn kỹ thuật trồng rau màu trái vụ, sẵn sàng giúp đỡ gia đình khó khăn từng bước phát triển kinh tế vươn lên ổn định cuộc sống. Ông Phi nói. “Nhiều nông dân cứ trồng theo kinh nghiệm, chưa biết cách áp dụng kỹ thuật nên không hiệu quả, mình biết thì hướng dẫn, bày cách để bà con trồng tốt hơn”. Nhờ siêng năng, chịu khó làm ăn, tích luỹ, vợ chồng ông còn xây được cơ ngơi kiên cố, nuôi dạy 4 con ăn học thành tài (3 con trai, một đã đi làm, hai người là kỹ sư chế tạo máy tại TP. Hồ Chí Minh và con gái út đang học lớp 9).

Theo ông Hoàng Tú Nam, Phó Trưởng phòng Lao động Thương binh và Xã hội thị xã Hương Trà, với tinh thần gương mẫu, tận tâm với công việc, những CCB làm ăn có hiệu quả đồng thời có nhiều đóng góp cho công tác an sinh xã hội như ông Nguyễn Phi là tấm gương tiêu biểu. 

Hương Chữ là một trong những địa phương chịu nhiều hy sinh mất mát trong hai cuộc kháng chiến giành độc lập của dân tộc, trong đó, có 312 liệt sĩ, gần 56 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 39 thương bệnh binh... Các CCB, thương bệnh binh đa phần đều vượt khó vươn lên phát triển kinh tế, giúp nhau xoá đói giảm nghèo, là những điển hình tiêu biểu, như CCB Hoàng Đê, Lê Viết Thiều, Hoàng Trung Nhân...

Hoàng Dũng

Số lượt xem : 28921