Sự kiện nổi bật:

NGHIÊN CỨU

Cập nhật lúc: 21/12/2022

Những bài học kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác cải cách tư pháp trên địa bàn thị xã

Công tác cải cách tư pháp luôn có ý nghĩa quan trọng đối với thắng lợi của cách mạng Việt Nam, là kết quả của quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân, là phương tiện để bảo đảm trật tự xã hội, bảo đảm công bằng cũng như thúc đẩy và bảo vệ quyền con người[1]. Thực tiễn cho thấy, việc tổ chức và thực hiện các văn bản chỉ đạo của các cấp về thực hiện công tác cải cách tư pháp, nhất là Kế hoạch số 14-KH/TU, ngày 25/12/2020 của Tỉnh ủy về triển khai thực hiện Kết luận 84-KL/TW, ngày 29/7/2020 của Bộ Chính trị về “Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020” và Chương trình cải cách tư pháp hàng năm trong thời gian qua, Đảng bộ thị xã Hương Trà luôn nhận được sự quan tâm, lãnh đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, sự phối hợp của Ban Nội chính Tỉnh ủy và các cơ quan tư pháp cấp tỉnh. Hàng năm, Ban Thường vụ Thị ủy đã kịp thời ban hành Chương trình cải cách tư pháp và các văn bản liên quan để lãnh đạo, chỉ đạo công tác cải cách tư pháp. Qua đó, đã nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong các đơn vị đối với việc thực hiện cải cách tư pháp.

 

 Trong năm 2022, Viện Kiểm sát nhân dân thị xã thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra 65 vụ án hình sự với 135 bị can; trong đó, đã giải quyết 56 vụ/122 bị can, còn lại 09 vụ/ 13 bị can; thụ lý kiểm sát 115 tin báo (đã xử lý 107 tin, còn lại 08 tin trong thời hạn giải quyết). Tòa án nhân dân thị xã đã thụ lý 191 vụ án các loại, đã giải quyết 174 vụ (đạt tỷ lệ 91%); có 100% bản án, quyết định được công bố trên cổng thông tin điện tử. Công tác Thi hành án dân sự đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, tổng số thụ lý kiểm sát 401 việc/32.267.201.000 đồng, trong đó: trong đó số cũ chuyển sang 84 việc/25.316.953.000 đồng; số thụ lý mới 317 việc/6.950.248.000 đồng; tổng số có điều kiện thi hành 361 việc/32.205.951.000 đồng, số chưa có điều kiện 39 việc/19.690.744.000 đồng (ủy thác 01 việc/61.250.000 đồng); số việc thi hành xong 266 việc/6.474.200.000 đồng; số việc chưa thi hành 32 việc/659.514.000 đồng; số việc chuyển kỳ sau 133 việc/25.640.301.000 đồng; đã tiến hành kiểm sát và lập hồ sơ 100% quyết định về thi hành án do cơ quan thi hành án chuyển đến.

Nhìn chung, các cơ quan tư pháp trên địa bàn thị xã đã thực hiện nghiêm nhiệm vụ chính trị được phân công và có sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên trong công tác cải cách tư pháp. Nhờ vậy, hoạt động tư pháp có bước tiến bộ rõ rệt về chất lượng, tổ chức bộ máy, trình độ chuyên môn nghiệp vụ; thực hành nghiêm quyền công tố, giải quyết án đúng luật, không có trường hợp bắt oan, sai; đẩy mạnh công tác phòng, chống tội phạm góp phần giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, tạo niềm tin trong Nhân dân đối với các cơ quan tư pháp.

Qua quá trình triển khai thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp và Chương trình cải cách tư pháp hàng năm trên địa bàn thị xã Hương Trà; Ban Thường vụ Thị ủy rút ra một số bài học kinh nghiệm của cấp ủy trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác cải cách tư pháp, như sau:

Thứ nhất, Cải cách tư pháp phải đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của các cấp ủy, sự quản lý điều hành của chính quyền và sự tham gia tuyên truyền, vận động và giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và quần chúng Nhân dân. Cần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành chức năng về mục tiêu, ý nghĩa, tầm quan trọng của cải cách tư pháp đối với công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội. Từ đó, coi trọng công tác tuyên truyền, quán triệt sâu rộng các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về cải cách tư pháp đối với toàn thể cán bộ, công chức và Nhân dân để tạo ra sự đồng thuận chung trong toàn xã hội về thực hiện các nhiệm vụ cải cách tư pháp; xác định những lợi ích thiết thực, hiệu quả mà công cuộc cải cách tư pháp đem lại cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp.

Thứ hai, Thường trực Thị ủy tổ chức giao ban khối nội chính, các cơ quan tư pháp (theo quy chế, ở Thị ủy Hương Trà 3 tháng/lần và thường xuyên làm việc với từng cơ quan tư pháp) để nắm tình hình triển khai thực hiện nhiệm vụ của cơ quan tư pháp để định hướng, chỉ đạo kịp thời các vấn đề phức tạp nảy sinh. Tổ chức thực hiện nghiêm công tác tiếp dân theo quy định, nhất là theo Quy định 11-QĐi/TW, ngày 18/02/2019 của Bộ Chính trị về “Trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân”. Qua đó, sớm phát hiện và giải quyết vấn đề ngay từ cơ sở, không để xảy ra “điểm nóng” về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Tích cực tham gia góp ý hoàn thiện các dự án Luật, Pháp lệnh đảm bảo chất lượng và đúng tiến độ; làm tốt công tác tổng kết thực tiễn xét xử, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật; thường xuyên tổ chức và tham gia Hội nghị tập huấn, trao đổi, giải đáp các vấn đề nghiệp vụ theo chuyên đề, lĩnh vực. Phối hợp với Ban Nội chính Tỉnh ủy, các cơ quan tư pháp tỉnh tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ, công chức về nghiệp vụ công tác cải cách tư pháp.

Thứ ba, Chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các vụ án, đảm bảo các phán quyết của Tòa án phải đúng pháp luật, đảm bảo công lý, bảo vệ các quyền con người, quyền công dân, đẩy mạnh tranh tụng tại phiên tòa; tích cực tham mưu về các chủ trương, biện pháp tăng cường đấu tranh phòng, chống tham nhũng; phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng khẩn trương đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh các vụ án kinh tế, tham nhũng, nhất là các vụ án lớn mà dư luận và xã hội quan tâm. Tập trung làm tốt công tác hòa giải trong giải quyết các vụ án dân sự và công tác đối thoại trong giải quyết các vụ án hành chính; khắc phục triệt để các vụ án quá thời hạn xét xử do lỗi chủ quan của Tòa án; phấn đấu không để xảy ra việc xét xử oan, sai hoặc bỏ lọt tội phạm; nâng cao hiệu quả công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm; tiến hành sơ kết việc tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm, phiên tòa trực tuyến theo tinh thần cải cách tư pháp; tạo điều kiện thuận lợi cho luật sư và trợ giúp viên pháp lý tham gia trong các giai đoạn tố tụng. Trong năm, các cơ quan tư pháp thị xã đã phối hợp tổ chức 04 phiên tòa trực tuyến và 07 phiên tòa rút kinh nghiệm theo Hướng dẫn số 136/HD-TANDTC ngày 30/3/2017 của Tòa án nhân dân tối cao về tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm theo yêu cầu cải cách tư pháp; đặc biệt vào tháng 3/2022, thị xã đã tổ chức phiên tòa tực tuyến đầu tiên trong cả nước, đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án, tạo điều kiện thuận lợi để bị cáo, đương sự, tổ chức và cá nhân tham gia phiên tòa, nhất là trong tình hình dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp. 

Thứ tư, Hoàn thiện tổ chức bộ máy, hoạt động và xây dựng đội ngũ cán bộ của các tổ chức bổ trợ tư pháp trên địa bàn thị xã; Ban Thường vụ Thị ủy đã ban hành Chỉ thị về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Luật gia thị xã trong tình hình mới; tăng cường công tác quản lý nhà nước về công chứng, thi hành án dân sự, hòa giải. Chú trọng công tác hòa giải, trong năm, hòa giải thành theo các Luật tố tụng dân sự, hành chính 105 vụ, đạt tỷ lệ 60,3% (dân sự 13 vụ, hôn nhân và gia đình 92 vụ); hòa giải thành theo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án 15 vụ/30 vụ, đạt tỷ 50%; trong đó có 03 vụ đương sự tự nguyện rút đơn, có 12 vụ đương sự có đề nghị và Tòa án đã ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành. Mặt khác, cần đẩy mạnh công tác truyền thông về lĩnh vực trợ giúp pháp lý, tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý. Tiếp tục triển khai chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã đặc biệt khó khăn.

Thứ năm, Làm tốt công tác lãnh đạo các cơ quan tư pháp. Thông qua việc phối hợp với cấp ủy Đảng ngành dọc xây dựng kiện toàn đội ngũ, trong đó chú trọng lựa chọn người đứng đầu các cơ quan Công an, Toà án, Viện kiểm sát, Thi hành án dân sự, Công an thị xã... có bản lĩnh, công tâm, trách nhiệm tận tuỵ, đảm đương tốt nhiệm vụ. Thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, xây dựng khối đoàn kết thống nhất, tăng cường quan hệ phối hợp liên ngành giữa các cơ quan tư pháp, giữa cơ quan tư pháp với các cơ quan liên quan, Quy chế phối hợp giữa Ủy ban Kiểm tra Thị ủy với các cơ quan tư pháp dưới sự lãnh đạo của Thị ủy. Hàng năm, Thị ủy tổ chức Hội nghị tổng kết các quy chế phối hợp để đánh giá, phát huy các kết quả đạt được và có giải pháp khắc phục những hạn chế, khuyết điểm. Trong 5 năm qua, các cơ quan tư pháp thị xã đã cụ thể hoá bằng việc xây dựng ký kết nhiều quy chế như trong giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm; trong việc giải quyết các vụ án phức tạp dư luận bức xúc; trong việc thi hành án dân sự cũng như việc giám sát của Hội đồng nhân dân, giám sát phản biện Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội đối với các cơ quan tư pháp và các hoạt động tư pháp.

Thứ sáu, Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng theo hướng chủ động xây dựng kế hoạch gắn với nhu cầu thực tiễn; nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức của các cơ quan tư pháp, cán bộ Văn phòng cấp ủy cấp huyện trong công tác tham mưu cho cấp ủy về công tác cải cách tư pháp tại địa phương; thực hiện tốt công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; đề cao kỷ cương, kỷ luật, tăng cường kiểm tra giám sát việc thực thi công vụ và xử lý trách nhiệm đối với các cán bộ, công chức có hành vi vi phạm... Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý công việc và để làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền cho Nhân dân; hỗ trợ các điều kiện vật chất, quan tâm bố trí đất đai xây dựng trụ sở các cơ quan Tư pháp rộng rãi trang nghiêm, xứng tầm với yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra.

Cuối cùng, Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; phát huy vai trò của các tổ hòa giải ở các thôn, tổ dân phố. Thực tiễn đã chỉ rõ, Nhân dân cũng có vai trò vô cùng quan trọng công tác cải cách tư pháp (nhất là trong công tác giám sát hoạt động của các cơ quan tư pháp, trong phòng ngừa xã hội, tố giác tội phạm). Đây là một bài học kinh nghiệm lớn nên trong thời gian đến cần tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo các cơ quan, ban ngành, đoàn thể tiến hành đồng bộ các giải pháp để tuyên truyền, phổ biến pháp luật; có cơ chế, chính sách để huy động Nhân dân tham gia vào công tác cải cách tư pháp và đấu tranh phòng, chống tội phạm.

 

Trần Thị Nhung - Văn phòng Thị ủy



[1] Theo PGS. TS. Trương Thị Hồng Hà - Ban Nội Chính Trung ương (2021), Tăng cường hoạt động cải cách tư pháp dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, Trang thông tin tổng hợp của Ban Nội Chính Trung ương.

Đường link: https://noichinh.vn/nghien-cuu-trao-doi/202107/tang-cuong-hoat-dong-cai-cach-tu-phap-duoi-su-lanh-dao-cua-dang-cong-san-viet-nam-gop-phan-thuc-hien-thang-loi-nghi-quyet-dai-hoi-dang-lan-thu-xiii-309746/

Số lượt xem : 18229