Sự kiện nổi bật:

THÔNG TIN

Cập nhật lúc: 28/04/2021

Góp phần phát triển "thành phố di sản"

Ngày 27/4/2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét kỹ lưỡng và quyết định thông qua đề xuất của Chính phủ về việc điều chỉnh địa giới hành chính để mở rộng thành phố Huế và sắp xếp, thành lập các phường thuộc thành phố này với mong muốn góp phần phát triển "thành phố di sản" của cả nước, sớm đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

	Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày tờ trình tại phiên họp Ảnh: Hồ Long

Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày tờ trình tại phiên họp
Ảnh: Hồ Long

Đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn

Mở rộng TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế là việc cần sớm hoàn thành, không chỉ đáp ứng nhu cầu, đòi hỏi của thực tiễn mà còn nhằm thực hiện chủ trương của Trung ương, Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 54 -NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó nêu rõ, việc mở rộng diện tích thành phố Huế cần được hoàn thành trước năm 2022, góp phần thực hiện chủ trương đưa Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Thực tế cũng cho thấy, trên địa bàn TP. Huế có tình trạng một số phường có diện tích khá nhỏ; không gian phát triển bị chia cắt, gây khó khăn, cản trở trong công tác lập kế hoạch, quy hoạch dài hạn, định hướng phát triển kinh tế - xã hội cũng như quy hoạch, kế hoạch phát triển vùng; nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội bị phân tán. Cùng với đó, thị trấn Thuận An và các xã Phú Thượng, Hương Vinh, Thủy Vân đang là điểm nút giao thông quan trọng giáp với trung tâm TP. Huế, có lợi thế để phát triển ngành thương mại - dịch vụ, trao đổi buôn bán, giao lưu văn hóa khu vực. Quá trình phát triển kinh tế - xã hội, tốc độ đô thị hóa tăng nhanh ở các địa bàn này đã nảy sinh nhiều vấn đề khó khăn trong công tác quản lý kinh tế, quản lý quy hoạch xây dựng, kiến trúc, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, quản lý dân cư, phòng chống tệ nạn xã hội, bảo đảm trật tự công cộng, cảnh quan và bảo vệ môi trường do bộ máy quản lý hành chính Nhà nước vẫn tổ chức, hoạt động theo mô hình chính quyền nông thôn.

Chủ trì thẩm tra tờ trình và đề án của Chính phủ, Ủy ban Pháp luật bày tỏ nhất trí rất cao với đề xuất của Chính phủ; đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về việc điều chỉnh địa giới hành chính, sắp xếp và thành lập các phường thuộc TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế trên cơ sở tờ trình, đề án và các báo cáo giải trình.

Trước đó, để có cơ sở trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định, tại phiên họp thẩm tra, các thành viên Ủy ban Pháp luật đã đề nghị cơ quan trình đề án giải trình, bổ sung một số nội dung về phương án, kế hoạch, lộ trình sắp xếp các đơn vị hành chính chưa đạt tiêu chuẩn của TP. Huế; về các biện pháp đầu tư, tăng cường chất lượng đô thị đối với 4 phường dự kiến thành lập để phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân sinh sống trên địa bàn và bảo đảm phát triển tương xứng với vị thế và vai trò như đã nêu trong đề án và phương án, kế hoạch, lộ trình sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện chưa đạt 100% tiêu chuẩn của đơn vị hành chính trong giai đoạn 2022 - 2030 theo Nghị quyết số 18-NQ/TW và việc đầu tư, xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng của các đơn vị hành chính nói trên đặt trong tổng thể đề án xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết số 54.

Tuy nhiên, các nội dung này đã được đại diện Chính phủ (Bộ Nội vụ) giải trình ngay tại phiên họp thẩm tra của Ủy ban Pháp luật. Ngày 26.4.2021, Chính phủ cũng đã có Báo cáo số 136/BC-CP bổ sung, giải trình với Ủy ban Thường vụ Quốc hội về các nội dung này. Bộ Xây dựng cũng đã có Văn bản số 1348/BXD-PTĐT cung cấp thêm một số thông tin để làm rõ về một số nội dung liên quan đến Đề án. Trong quá trình Thường trực Ủy ban Pháp luật khảo sát, làm việc tại địa phương, chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã có báo cáo, giải trình làm rõ. Do đó, Ủy ban Pháp luật tán thành với nội dung báo cáo, giải trình của Chính phủ, Bộ Xây dựng và chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế.

Không ảnh hưởng đến công tác bầu cử

Cơ bản tán thành với Tờ trình, các nội dung báo cáo thẩm tra và báo cáo giải trình, bổ sung của Chính phủ, tại Phiên họp, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng lưu ý một số vấn đề. Cụ thể, theo Tờ trình của Chính phủ, UBND tỉnh Thừa Hiên Huế đang tổ chức lập đồng thời quy hoạch tỉnh (theo Luật Quy hoạch) và quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế (theo Luật Quy hoạch đô thị, Luật Xây dựng) để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, trong đó có quy hoạch đô thị thành phố Huế và sẽ cập nhật các nội dung liên quan đến ranh giới hành chính thành phố Huế mở rộng. Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Nguyễn Đắc Vinh đặt vấn đề: Vì sao tỉnh Thừa Thiên Huế đặt vấn đề điều chỉnh địa giới hành chính để mở rộng thành phố Huế khi chưa sắp xếp xong quy hoạch phát triển của tỉnh, quy hoạch phát triển chung của thành phố?

Ở góc độ khác, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh, việc hình thành tổ chức bộ máy mới của các phường, nhất là 4 phường mới phải rất quan tâm. Bởi, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 được thực hiện theo khu vực bầu cử hiện hành, chưa tiến hành điều chỉnh địa giới hành chính. Với quá trình điều chỉnh địa giới như Chính phủ và UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị sẽ phải tổ chức bộ máy, với nhân sự Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND, cũng như nhân sự lãnh đạo mới khác. Với lý do này, “cân nhắc trong tổ chức bộ máy để bảo đảm chính quyền 4 phường mới hoạt động một cách hiệu quả ngay từ ban đầu” là yêu cầu được Trưởng ban Công tác đại biểu đưa ra với các cơ quan, đơn vị liên quan.

Giải trình về băn khoăn của các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ cho biết, Nghị quyết số 54 của Bộ Chính trị đã xác định rõ mô hình đô thị Thừa Thiên Huế tương lai bao gồm TP. Huế mở rộng (là đơn vị hành chính trung tâm) cùng với 3 thị xã Hương Thủy, Hương Trà, Phong Điền và 5 huyện. Đối với băn khoăn về tổ chức bộ máy các phường mới sau khi tiến hành bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp, ông Phan Ngọc Thọ khẳng định, đã có phương án đầy đủ về bố trí, sắp xếp cán bộ, các địa phương được sắp xếp trên địa bàn thành phố Huế.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết, theo quy định tại Khoản 1, Điều 134 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, trong trường hợp nhiều đơn vị hành chính nhập thành một đơn vị hành chính mới cùng cấp thì đại biểu HĐND của các đơn vị hành chính cũ được hợp thành HĐND của đơn vị hành chính mới và tiếp tục hoạt động cho đến hết nhiệm kỳ. Do vậy, ông Trần Anh Tuấn cho rằng, quá trình điều chỉnh địa giới hành chính, thành lập các phường mới không gây ảnh hưởng đến công tác bầu cử, hoàn toàn phù hợp với Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chặt chẽ, đáp ứng đầy đủ quy trình, thủ tục hiện hành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua việc điều chỉnh địa giới để mở rộng TP. Huế và sắp xếp, thành lập các phường thuộc thành phố này. Lưu ý việc xây dựng và thực hiện đề án mở rộng địa giới hành chính thành phố Huế là một trong ba bước quan trọng để thực hiện Nghị quyết số 54 của Bộ Chính trị. Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, Chính phủ và tỉnh Thừa Thiên Huế phải có kế hoạch, lộ trình cụ thể để thực hiện Nghị quyết về mọi mặt, đặc biệt là quy hoạch chung, quy hoạch phát triển đô thị, bảo đảm yêu cầu phát triển theo quy định cả về không gian phát triển và trình độ phát triển kinh tế - xã hội của đô thị.

 

Số lượt xem : 10568