Sự kiện nổi bật:

TIÊU ĐIỂM

Cập nhật lúc: 15/12/2022

Thị xã Hương Trà nhìn lại sau một năm thực hiện Nghị quyết 1264 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Thực hiện Nghị quyết 1264/NQ-UBTVQH14 ngày 27/4/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc điều chỉnh địa giới hành chính các đơn vị hành chính cấp huyện và sắp xếp, thành lập các phường thuộc thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế có hiệu lực từ ngày 01/7/2021; trong đó, điều chỉnh toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của 6 đơn vị hành chính cấp xã: Hương Hồ, Hương An, Hương Thọ, Hương Phong, Hương Vinh và Hải Dương thuộc thị xã Hương Trà vào thành phố Huế. Sau khi điều chỉnh địa giới hành chính, thị xã Hương Trà có 392,32 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 65.085 người; còn lại 09 đơn vị hành chính, gồm 05 phường và 04 xã. Qua một năm thực hiện Nghị quyết, Hương Trà đang có những chuyển biến tích cực đó là:

Khai thác lợi thế để phát triển, trong đó tập trung phát triển ngành công nghiệp - xây dựng: Các đơn vị tiếp giáp thành phố Huế trước đây có lợi thế về phát triển Dịch vụ- Du lịch nay đã chuyển giao; vì vậy thị xã nhận định phải khai thác lợi thế để phát triển đó là tập trung phát triển Công nghiệp; chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế theo hướng “Công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp”, thay vì “ Dịch vụ- công nghiệp- nông nghiệp” như trước đây. Qua một năm giá trị sản xuất công nghiệp - TTCN và xây dựng đạt khoảng 4.298 tỷ đồng, tăng 16,1% so cùng kỳ năm trước. Hoạt động sản xuất kinh doanh phát triển ổn định nhờ các doanh nghiệp hiện hữu tăng năng suất và một số năng lực sản xuất mới đưa vào hoạt động như: Nhà máy sản xuất mũ xuất khẩu Jointwell, Công ty dược phẩm Hera, may Vinatex, may Scavi Hương Trà, bê tông Thừa Thiên Huế,...; đặc biệt sản lượng điện sản xuất tăng mạnh của các dự án thuỷ điện do thời tiết thuận lợi mưa nhiều... Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu có sản lượng tăng so cùng kỳ năm trước như: mũ, nón xuất khẩu (16,5%), nhang Thái Hưng (16,3%), đá xây dựng (20,5%), điện thương phẩm (13,05%), bê tông tươi (16,7%), cột điện bê tông (14,9%), gỗ xẻ các loại (15,2%), xi măng (6,5%)…Sản phẩm công nghiệp sản lượng giảm như: ghế đan xuất khẩu (-3,75%), tà vẹt bê tông dự ứng lực (-2,95%)…Giá trị xuất khẩu ước đạt 215 tỷ đồng.

Tích cực phối hợp đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp Tứ Hạ để thu hút đầu tư, trong năm 2022 đã thu hút được dự án Dự án sản xuất chế biến nông sản của Công ty TNHH Phát triển HK Gold Land với tổng số vốn đăng ký 82 tỷ đồng. Đã hoàn thành quy hoạch chi tiết 1/500 cụm công nghiệp Bình Thành, với quy mô 32ha) đảm bảo tiến độ đề ra, hoàn thiện hồ sơ mở rộng cụm công nghiệp Tứ Hạ (giai đoạn 3) trình cấp có thẩm quyền phê duyệt khi quy hoạch phân khu trung tâm thị xã hoàn thành.

Triển khai đa dạng các loại hình dịch vụ: Đã có 300 hộ kinh doanh đăng ký thành lập mới, tăng 20,8% cùng kỳ; đã đưa thêm các cơ sở kinh doanh như: nhà hàng tiệc cưới Phú Lành, cửa hàng xe máy Honda, xe đạp điện tại Hương Văn; các cửa hàng chuyên doanh tại các phường, xã… đi vào hoạt động. Triển khai chuyển đổi mô hình quản lý và kêu gọi đầu tư chợ Tứ Hạ, đầu tư xây dựng chợ Bình Điền - xã Bình Tiến. Đã tích cực hỗ trợ các nhà đầu tư nghiên cứu thực hiện các dịch vụ - thương mại trên địa bàn thị xã. Các hoạt động du lịch trên địa bàn được đẩy mạnh, nhận thức của cộng đồng dân cư về du lịch cộng đồng được nâng cao, công tác truyền thông quảng bá được tăng cường, được số hóa như quay phim du lịch, tổ chức đoàn khảo sát du lịch, pano quảng bá… Các hoạt động vận tải, dịch vụ bưu chính - viễn thông, giáo dục - đào tạo, vệ sinh môi trường, dịch vụ đô thị phát triển khá đa dạng, đáp ứng kịp thời các nhu cầu của Nhân dân trên địa bàn. Hoạt động tín dụng ngân hàng trên đà tăng trưởng tích cực. Giá trị sản xuất ngành dịch vụ đạt khoảng 2.158 tỷ đồng, tăng khoảng 13,9% so với cùng kỳ năm trước. 

Đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới: Giá trị sản xuất nông nghiệp đạt khoảng 543 tỷ đồng, tăng 0,7% so với năm 2021;  Thực hiện các mô hình cánh đồng lớn, liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị với 23,6ha lúa hữu cơ giống DT39 tại xã Hương Toàn. Đến nay trên địa bàn thị xã có 63ha các loại cây trồng được cấp giấy chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP, trong đó 52ha lúa tại xã Hương Toàn, 05ha ổi tại phường Hương Xuân và 06ha cây ăn quả có múi như Bưởi da xanh, cam, quýt tại các xã vùng gò đồi. Mô hình phát triển cây dược liệu Tràm gió tại các phường Hương Xuân, Hương Chữ và Hương Văn với diện tích 11,33ha. Triển khai thực hiện mô hình sản xuất giống lúa mới chất lượng cao như HG12, HG244, JO2 quy mô 83,5ha. Triển khai rà soát, hỗ trợ hoàn thiện các sản phẩm OCOP trên địa bàn thị xã như Sản phẩm Nấm đông trùng hạ thảo của HTX Narasa, Thanh trà Hương Vân. Tập trung thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đến cuối năm 2022 có thêm 01 xã Bình Tiến đạt chuẩn nông thôn mới.

Chú trọng đầu tư phát triển có trọng tâm, trọng điểm để tạo diện mạo đô thị: Tiếp tục tăng cường thu hút, sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng. Thị xã đã tập trung thực hiện các công trình đi qua địa bàn như: đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn, đường dây điện 500KV; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình trọng điểm, dự án mang tính điểm nhấn tạo diện mạo mới cho đô thị Hương Trà như: đường Hà Công - Hương Chữ; Quảng trường và Nhà văn hoá trung tâm thị xã, chỉnh trang tuyến QL1A (Hương Văn - Hương Chữ), chợ đầu mối Bình Điền, các tuyến đường giao thông nội thị kết nối với QL1A, điện sáng đường phía Tây Huế, QL49A và trung tâm các phường, xã… Thực hiện tốt Chương trình kích cầu giao thông ngõ, xóm, trong năm 2022 đã hỗ trợ kinh phí 14,92 tỷ đồng để đầu tư xây dựng hơn 27km đường bê tông, đến nay cơ bản các đường thôn, xóm cơ bản đã được bê tông hóa, diện mạo nông thôn khởi sắc.

        Đẩy nhanh tiến độ lập các đồ án quy hoạch: phân khu khu trung tâm thị xã, quy hoạch phân khu các phường Hương Vân, Hương Xuân, Hương Chữ, Hương Văn, quy hoạch phân khu khu vực Hương Toàn…Hoàn thành trình phê duyệt Đề cương nhiệm vụ quy hoạch chung xã Hương Bình, Bình Thành. Đẩy mạnh phong trào xây dựng các tuyến phố văn minh, xây dựng phường văn minh đô thị, có thêm phường Tứ Hạ đạt chuẩn phường văn minh đô thị. Tỷ lệ đô thị hoá năm 2022 thị xã đạt khoảng 75%.


        Thực hiện có hiệu quả các lĩnh vực văn hóa- xã hội, đặc biệt làm tốt công tác xóa đói giảm nghèo: Quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, hiện có 27/38 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ đạt 71,05%. Chất lượng khám, chữa bệnh được chú trọng, thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh và tăng cường vệ sinh an toàn thực phẩm. Làm tốt công tác tuyên truyền, cổ động trực quan nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn của quê hương, đất nước; Tổ chức thành công Đại hội thể dục thể thao thị xã; chú trọng bảo vệ, tu bổ các di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng. Quan tâm chăm lo cho các đối tượng chính sách, làm tốt và kịp thời các giải pháp về an sinh xã hội; thực hiện tốt công tác xóa đói- giảm nghèo, đến nay tỷ lệ hộ nghèo còn 2,21%, giảm 1,36% so với năm trước.

        Qua một năm thực hiện Nghị quyết 1264 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, với việc thay đổi các mục tiêu trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, trên cơ sở nắm bắt các thách thức và cơ hội, tập trung đầu tư các ngành mũi nhọn và với những giải pháp căn cơ; Hương Trà đang phát triển để tương xứng  với vị trí và vị thế của thị xã nằm trong vùng đô thị lõi trung tâm của toàn tỉnh Thừa Thiên Huế, góp phần đưa Thừa Thiên Huế trở thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết 54-NQ/TW, ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị.

     Trần Ngọc Huyến - Chánh VP HĐND và UBND thị xã Hương Trà

 

Số lượt xem : 15358