NGHIÊN CỨU
NHỮNG YÊU CẦU ĐẶT RA NHẰM NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG SINH HOẠT CHÍNH TRỊ, TƯ TƯỞNG TRONG SINH HOẠT CHI BỘ
(BÀI 1: TẠI SAO PHẢI COI TRỌNG SINH HOẠT CHÍNH TRỊ, TƯ TƯỞNG TRONG SINH HOẠT CHI BỘ VÀ THỰC TIỄN TÌNH HÌNH HIỆN NAY)
Nghị quyết 21 của Ban Chấp hành Trung ương 5 (khoá XIII) về “tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới” đã nhấn mạnh: “Tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp uỷ, tổ chức cơ sở đảng, đảng viên về tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ… Thực hiện nghiêm chế độ sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt cấp uỷ…; nâng cao chất lượng sinh hoạt theo hướng thiết thực, trọng tâm, trọng điểm; kịp thời thông tin, phổ biến, quán triệt chủ trương, nghị quyết, lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ cấp trên, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tình hình thời sự trong nước và ngoài nước; lắng nghe và giải quyết nguyện vọng chính đáng của đảng viên và nhân dân”. Trên cơ sở Nghị quyết 21, ngày 19/9/2022 Ban Thường vụ Thị uỷ đã ban hành Công văn số 788-CV/TU về “việc đẩy mạnh sinh hoạt chuyên đề “tự soi, tự sửa”” trong đó yêu cầu tập trung vào nội dung: nâng cao chất lượng sinh hoạt chính trị, tư tưởng trong sinh hoạt chi bộ.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng sinh hoạt chính trị, tư tưởng trong sinh hoạt chi bộ cần lưu ý một số nội dung sau:
Một là, cần sử dụng và phát huy có hiệu quả Bản tin nội bộ, bao gồm cả bản tin do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cung cấp và bản tin do Ban Tuyên giáo Thị ủy chuẩn bị. Đây là các loại văn bản có tính định hướng nội dung hàng tháng cho chi bộ để sinh hoạt. Muốn vậy, chi bộ, nhất là đồng chí bí thư phải tự mình nghiên cứu trước các nội dung trong bản tin để khi vào sinh hoạt chi bộ có thể lựa chọn nội dung nào cần triển khai sâu, có sự liên hệ với địa phương đơn vị mình, những nội dung nào chỉ cần nêu khái quát vấn đề đến với toàn thể chi bộ. Bởi không phải tất cả những nội dung trong bản tin đều cần phải đọc hết, đây chỉ là tài liệu tham khảo và vì vậy rất cần sự lựa chọn nội dung để triển khai. Một yêu cầu quan trọng khi sử dụng bản tin là phải gắn một số nội dung trong bản tin với yêu cầu nhiệm vụ của đơn vị, địa phương mình. Ví dụ, khi triển khai một gương điển hình về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, có thể bản tin nêu lên gương điển hình của một đơn vị bạn nhưng chi bộ có thể gắn vào đó là nêu một gương điển hình nào đó trong thôn, tổ dân phố của mình hoặc là một gương điển hình nào đó trong xã, phường mà mình đang sinh sống đã được cấp ủy xã, phường khen thưởng. Hay trong bản tin của tỉnh nêu nội dung phát động phong trào Ngày Chủ nhật xanh chúng ta cũng có thể liên hệ với những yêu cầu đặt ra tại đơn vị mình bằng những việc làm cụ thể để hưởng ứng… Và như vậy thì hiệu quả bản tin sẽ được nâng cao, tránh được sự đọc ê a kéo dài hết nội dung này sang nội dung khác, gây nhàm chán và mất rất nhiều thời gian của chi bộ. Theo chúng tôi, trong một phiên sinh hoạt chi bộ thời gian sử dụng bản tin nội bộ chỉ cần trong khoảng từ 20 đến 25 phút là đủ.
Hai là, cần thực hiện nghiêm túc việc thông tin, triển khai một số văn bản mới đến với đảng viên trong sinh hoạt chi bộ. Quyền được thông tin là quyền của đảng viên đã được quy định trong Điều lệ Đảng, vì vậy chi bộ cần nghiêm túc thực hiện nội dung này trong sinh hoạt chi bộ. Để việc thông tin hoặc triển khai văn bản mới có chất lượng đòi hỏi đồng chí bí thư chi bộ cần phải đọc, nghiên cứu trước các văn bản này. Thực tế hiện nay số lượng văn bản các cấp yêu cầu triển khai đến tận chi bộ là rất lớn và không phải văn bản nào cũng ngắn cả. Vì vậy đọc trước, nghiên cứu trước sẽ giúp đồng chí bí thư “lọc bớt” nội dung, khi triển khai trong sinh hoạt chi bộ đảng viên tiếp cận được thông tin theo hướng đủ nội dung, có trọng tâm và gắn với thực tiễn. Tất nhiên có những văn bản mới đòi hỏi phải triển khai đầy đủ như các quy định, hướng dẫn thi hành… trường hợp này đồng chí bí thư phải biết chia nội dung văn bản theo nhiều kỳ khác nhau để bảo đảm quyền được thông tin của đảng viên.
Ba là, làm tốt công tác nắm bắt tình hình, diễn biến tư tưởng, tình cảm, suy nghĩ của đảng viên. Một trong những việc hết sức quan trọng trong sinh hoạt chi bộ nói chung và sinh hoạt chính trị tư tưởng trong sinh hoạt chi bộ nói riêng đó là việc nắm bắt diễn biến tư tưởng, trạng thái tình cảm của đảng viên. Bởi nếu làm tốt việc này chi bộ sẽ nắm bắt được đảng viên đang băn khoăn, lo lắng vấn đề gì? trong suy nghĩ đang “lấn cấn” việc A, việc B gì? có dấu hiệu nào lệch lạc trong nhận thức, tư tưởng hay không?... Muốn vậy chi ủy, trước hết là đồng chí bí thư phải thật sự là “người biết quan tâm”, là trung tâm đoàn kết để trong sinh hoạt biết “đưa vấn đề”, gợi mở vấn đề tạo điều kiện cho chi bộ và mỗi đảng viên thảo luận, tháo gỡ những “vướng mắc” trong suy nghĩ, những tình huống có vấn đề trong tư tưởng.
Trong sinh hoạt tư tưởng vấn đề rất quan trọng là biết lắng nghe, bởi khi đảng viên trình bày ý kiến của mình là mong được nghe, được chia sẻ. Tất nhiên đó có thể là suy nghĩ của cá nhân nhưng cũng có thể đó là việc nêu lại ý kiến của ai đó nhằm thông tin cho chi bộ hoặc mong muốn chi bộ lý giải vấn đề đó. Do đó, người chủ trì hoặc cấp ủy nên chú ý lắng nghe trọn vẹn suy nghĩ của đảng viên về một vấn đề nào đó, thậm chí nên gợi mở để đồng chí của mình nói chứ không phải vội vã phê phán. Nếu không thực hiện được điều này, lần sau các đảng viên sẽ ngại nói, khi đó cấp ủy ít có cơ hội định hướng tư tưởng vì không rõ nhận thức của các đảng viên như thế nào, đồng thời không khí trao đổi trong cuộc họp sẽ không sôi động, thoải mái. Mặt khác người chủ trì cũng phải thấy rằng việc phát biểu của một cá nhân có thể không chỉ thể hiện chính kiến riêng của cá nhân đó mà còn có thể là suy nghĩ của một số người khác. Vì vậy tạo được không khí dân chủ trong trao đổi, thảo luận cũng có thể là góp phần vào việc định hướng tư tưởng cho người khác. Có như vậy thì cuộc sinh hoạt tư tưởng mới thực sự có ích cho mỗi đảng viên và cho chi bộ, cho đơn vị. Nếu có những băn khoăn về mặt tư tưởng, thì chi bộ chính là nơi tốt nhất để chia sẻ băn khoăn đó để mọi người cùng nghe và giúp đỡ nếu cần thiết.
Một điều hết sức lưu ý đối với đồng chí bí thư khi sinh hoạt tư tưởng là không để trong chi bộ có những cách nhận xét, đánh giá mơ hồ, đại khái khi nói về đồng chí của mình theo kiểu “hình như…”, “nghe nói là…”. Bởi đây là sinh hoạt Đảng chứ không phải là lúc trà dư tửu hậu để tán chuyện. Việc định hướng tư tưởng trong kỳ sinh hoạt chi bộ là rất cần thiết để nâng cao kiến thức, nhận thức của đảng viên, qua đó giúp đảng viên hiểu đúng các vấn đề, tránh hiểu sai mà làm lây lan thông tin sai và hành động chưa phù hợp. Dĩ nhiên, cần tránh biến cuộc sinh hoạt chi bộ thành cuộc tranh luận nhau, trong khi kỳ họp còn nhiều nội dung khác quan trọng cần trao đổi, quyết định.
Bốn là, cần lầm tốt công tác nắm bắt dư luận xã hội đang diễn ra. Cấp ủy phải xác định việc nắm bắt dư luận xã hội là một nội dung quan trọng trong công tác tư tưởng của Đảng, của hệ thống chính trị các cấp và của mỗi cán bộ, đảng viên. Nhiệm vụ của công tác dư luận xã hội là nắm bắt kịp thời, chính xác tư tưởng, tâm trạng, dư luận xã hội trong nhân dân để phản ánh kịp thời, trung thực và đầy đủ nhất nhằm phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, điều hành của chính quyền các cấp.
Trước hết mỗi cấp ủy và mỗi đảng viên cần phân biệt được rằng dư luận là hiện tượng tâm lý bắt nguồn từ một nhóm người về một vấn đề nào đó kèm theo những phán đoán, bình luận và thái độ của họ, được truyền từ nhóm người này sang nhóm người khác. Nếu dư luận này được lan truyền rộng rãi, được lặp lại, liên quan đến lợi ích chung, thu hút sự quan tâm của nhiều người và nhóm người thì trở thành dư luận xã hội. Dư luận xã hội thường gắn liền với: (1) Những sự kiện chính trị - kinh tế - văn hóa xã hội quan trọng của đất nước, địa phương; (2) Việc ban hành và thực thi chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và các quy định của địa phương; (3) Thái độ, hành vi của cán bộ, đảng viên, nhất là người giữ cương vị chủ chốt các cấp trong thực thi công vụ. Dư luận xã hội có thể biểu thị công khai hoặc lan truyền ngấm ngầm, nhưng luôn mang tính “nặc danh” chứ không gắn với cá nhân hay nhóm người cụ thể. Song, thông qua lời khen, chê, khuyên can đối với các hành vi phù hợp hoặc không phù hợp với lợi ích, các giá trị xã hội, nhất là các giá trị đạo đức, dư luận xã hội có tác dụng lớn trong giáo dục con người ý thức về phải - trái, đúng - sai, thiện - ác, đẹp - xấu. Mặt khác, dư luận xã hội cũng có khả năng răn đe, cảnh báo, gây áp lực với chính các đối tượng có hành vi vi phạm chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, vi phạm đạo đức, lối sống. Với ý nghĩa đó, dư luận xã hội cũng tác động mạnh đến việc lãnh đạo và quản lý của cấp ủy, chính quyền các cấp.
Xuất phát từ tầm quan trọng của việc nắm bắt dư luận xã hội, cấp ủy và đồng chí bí thư phải thường xuyên nâng cao nhận thức cho đảng viên trong việc thường xuyên bám, nắm cơ sở, sát dân để nắm tâm tư nguyện vọng của nhân dân và có sự phản hồi đối với chi bộ, nhất là trong các phiên họp thường kỳ. Phải làm cho mỗi đảng viên trong chi bộ thấy rõ đây là trách nhiệm của mỗi đảng viên chứ không phải chỉ của cấp ủy hay đồng chí bí thư và đây là một yêu cầu trong sinh hoạt chính trị tư tưởng trong sinh hoạt chi bộ mà mỗi đảng viên phải có trách nhiệm. Mỗi đảng viên phải là lực lượng nòng cốt trong hoạt động nắm bắt, định hướng dư luận xã hội; phải đi đầu trong tuyên truyền, vận động, giải thích cho dân hiểu về chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước và địa phương; vạch trần âm mưu, thủ đoạn xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch; phải đi vào các điểm nóng dư luận xã hội để tìm hiểu, đối thoại với dân, lắng nghe tâm tư của người dân, qua đó định hướng tư tưởng, dư luận xã hội. Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: cán bộ, đảng viên phải “… tăng cường đối thoại, tiếp xúc với nhân dân, lắng nghe tâm sự của nhân dân, kịp thời giải quyết nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của nhân dân”. Có như vậy thì hoạt động nắm bắt dư luận xã hội mới kịp thời, đúng và trúng và sinh hoạt chính trị tư tưởng trong sinh hoạt chi bộ mới thật sự có chất lượng, hiệu quả./.
Hiền Vũ
Số lượt xem : 2153