Sự kiện nổi bật:

TIÊU ĐIỂM

Cập nhật lúc: 19/05/2023

Nhận thức và thực hành văn hóa Hồ Chí Minh

Đất nước có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay là nhờ sức mạnh văn hóa và con người Việt Nam, tỏ rõ hồn cốt, bản sắc, nét riêng, là “Made in Việt Nam”. Vậy nên hiện nay, để xây dựng một nước Việt Nam phồn vinh, hùng cường, hạnh phúc, sải bước cùng thời đại, sánh vai với các cường quốc năm châu như tâm nguyện và khát vọng của Bác Hồ vĩ đại và của cả dân tộc, cần phải vun bồi văn hóa, đặc biệt là tu thân, rèn luyện theo văn hóa Hồ Chí Minh
Bác Hồ với học sinh. (Ảnh tư liệu)

Chưa bao giờ góc nhìn văn hóa lại được bàn luận sôi nổi như hiện nay. Cũng dễ hiểu bởi thực tiễn cho thấy, văn hóa là cái vẫn thiếu khi đã học tất cả; là cái còn lại khi đã quên đi tất cả. Văn hóa lâm nguy còn đáng sợ hơn Tổ quốc lâm nguy. Văn hóa còn thì dân tộc còn. Gần một thế kỷ qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đặc biệt gần bốn mươi năm đổi mới, thành tựu và hạn chế của đất nước đều do việc có hay không nhận thức đúng đắn và thực hành văn hóa Hồ Chí Minh. 

QUAN NIỆM VỀ VĂN HÓA MANG TẦM VÓC VỀ MỘT TUYÊN NGÔN

Cách đây 80 năm (tháng 9/1943), khi UNESCO chưa ra đời, trong bóng tối của nhà tù đế quốc, Hồ Chí Minh đưa ra quan niệm về văn hóa mang tầm vóc một Tuyên ngôn. Cần nhận thức sâu sắc quan niệm này để rèn luyện, tu dưỡng theo văn hóa Hồ Chí Minh.

Về ý nghĩa của văn hóa

Văn hóa là chìa khóa, động lực của sự phát triển. Cách diễn đạt ngày nay có thay đổi so với trước, nhưng khi nói văn hóa là nền tảng của sự phát triển kinh tế - xã hội là nhằm khẳng định vai trò, sứ mệnh, ý nghĩa của văn hóa trong đời sống xã hội và loài người. 80 năm trước, Hồ Chí Minh đã viết về ý nghĩa của văn hóa thể hiện một tư duy mở đường, soi đường về sứ mệnh của văn hóa cho nhận thức và thực hành của chúng ta hôm nay. Người khẳng định vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra các lĩnh vực của văn hóa. Tinh thần này được nhắc lại ở một cách tiếp cận khác: “Văn hóa là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn”(1). Chỉ mấy từ ngắn gọn, nhưng mãi 55 năm sau, Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII (7/1998) mới đưa được nhận thức này vào nghị quyết. Từ đó đến nay, qua Hội nghị Trung ương 9 khóa XI, Đại hội XIII và Hội nghị văn hóa toàn quốc (24/11/2021), nhận thức đó trở thành nhất quán, xuyên suốt và từng bước đi vào cuộc sống.

Về mối quan hệ giữa văn hóa với con người

Tiếng latinh Cutus (trồng) đi với hai từ khác có hai nghĩa: Cutus agri (trồng cây) và Cultus animi (vun bồi tinh thần). Với từ gốc đó, tiếng Anh và Pháp dùng Culture để chỉ văn hóa. Như vậy, văn hóa chứa đựng nội hàm “trồng người” mà sau này Hồ Chí Minh nói tới “Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”. Quan niệm của Hồ Chí Minh chỉ rõ văn hóa là toàn bộ những sáng tạo và phát minh của con người, tức những giá trị vật chất, tinh thần và những sáng tạo, phát minh đó lại nhằm phục vụ cho cuộc sống con người. Quan niệm ngày nay, con người vừa là chủ thể (sáng tạo ra văn hóa), vừa là khách thể (thụ hưởng các giá trị văn hóa), đồng thời chuyển tải các giá trị văn hóa để truyền cảm hứng trong đời sống xã hội. Đảng ta nhấn mạnh tạo môi trường văn hóa để xây dựng con người và con người lại làm cho môi trường văn hóa ngày một tốt hơn. Nhiệm vụ quan trọng nhất của văn hóa là xây dựng con người.

Về loại hình của văn hóa

Cùng với ngôn ngữ, chữ viết, văn học, nghệ thuật, Hồ Chí Minh chỉ ra đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Cách tiếp cận của Hồ Chí Minh có mấy điểm quan trọng cần thấu triệt. Một là, cách nhìn của Người là cơ sở để chúng ta đi sâu vào nghiên cứu, tìm hiểu các loại hình văn hóa khác nhau như văn hóa chính trị, văn hóa đạo đức, văn hóa pháp luật, văn hóa tôn giáo, văn hóa văn nghệ…. Hai là, Người khẳng định khoa học, tôn giáo là những khía cạnh thuộc văn hóa, điều mà một thời gian dài nhận thức của chúng ta chưa thể vươn tới. Coi tôn giáo là một khía cạnh thuộc văn hóa đã khẳng định một cách rõ ràng quan điểm của Đảng về tự do tín ngưỡng, lương giáo đoàn kết, đại đoàn kết toàn dân tộc và mọi người có thể theo hay không theo một tôn giáo nào; đồng thời cũng tạo ra một sức mạnh nội sinh quan trọng khi tâm linh của con người được chú trọng và vun bồi. Ba là, văn hóa thể hiện ở phương thức sử dụng, ẩn chứa trong đó có mối quan hệ giữa văn hóa và văn minh, điều mà ngày nay vẫn còn có sự lẫn lộn. Văn minh không đồng nhất với văn hóa. Văn minh nghiêng về trình độ phát triển của khoa học kỹ thuật, còn văn hóa là nét riêng, một kiểu quan hệ, ứng xử. Không phải cứ trình độ văn minh cao là đi kèm văn hóa cao. Vấn đề ở chỗ con người sử dụng trình độ phát triển của văn minh như thế nào thì đó là thước đo trình độ văn hóa. Một đảng trở thành đảng cầm quyền được hiểu là đạt tới một trình độ văn minh về chính trị, nhưng phương thức sử dụng quyền lực đó như thế nào lại thuộc phạm trù văn hóa chính trị. Nhìn từ hôm nay, cụm từ “phương thức sử dụng” có ý nghĩa lớn trong văn hóa giao tiếp, ứng xử, xử sự, xử thế và quan hệ giữa con người với con người, xã hội và thiên nhiên.

Về mối quan hệ giữa văn hóa với chính trị, kinh tế, xã hội

Một trong những hạn chế, khuyết điểm Đảng ta nhắc đến trong các nghị quyết gần đây là còn nặng tư duy “duy kinh tế”, chạy theo tăng trưởng đơn thuần, coi văn hóa như “cái đuôi” của kinh tế; chưa thấy rõ mối quan hệ, tác động biện chứng giữa văn hóa với kinh tế, chính trị, xã hội, điều mà 80 năm trước, Hồ Chí Minh đã nêu lên cũng là bốn trụ cột để một đất nước phát triển mà UNESCO nhấn mạnh. Trong năm điểm lớn xây dựng nền văn hóa dân tộc, Hồ Chí Minh đặt xây dựng tâm lý của dân tộc với lõi cốt là tinh thần độc lập tự cường lên hàng đầu. Đây là cách tiếp cận đặc biệt và mới mẻ cho thấy ý nghĩa, vai trò, sức mạnh của tâm lý dân tộc. Một dân tộc không nuôi dưỡng, vun bồi và đặt lên hàng đầu khát vọng độc lập tự cường thì không làm nổi việc gì. Tâm lý độc lập tự cường của dân tộc trong văn hóa Việt Nam từ Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung đã hun đúc nên tâm hồn, khí phách, bản lĩnh Việt Nam, có ý nghĩa quyết định thắng lợi trong đấu tranh giải phóng dân tộc, làm rạng rỡ lịch sử, vẻ vang giống nòi. Bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu, tâm lý dân tộc phải được coi là tiêu chí, thước đo hàng đầu của văn hóa dân tộc. Trong Đề cương về văn hóa Việt Nam (năm 1943) và Báo cáo Chính trị do Hồ Chí Minh đọc tại Đại hội II của Đảng (2/1951) đều nói tới ba nguyên tắc của nền văn hóa mới là dân tộc, khoa học, đại chúng. Ngày nay, chúng ta bàn tới việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Nội hàm của hai chữ “dân tộc” không có gì sâu sắc bằng lòng yêu nước, tinh thần độc lập, tự cường.

Sau xây dựng tâm lý là xây dựng luân lý (đạo đức) và xây dựng xã hội. Đây là những lĩnh vực thuộc về kiến trúc thượng tầng liên quan tới văn hóa chính trị, nhân cách văn hóa của con người nói chung, của cán bộ, đảng viên nói riêng, mà quan trọng nhất là biết hy sinh mình, làm lợi cho quần chúng. Một nền văn hóa đích thực, thấm nhuần tinh thần nhân văn, dân chủ, khoa học, hướng đến chân - thiện - mỹ là phục vụ quần chúng, vì lợi quyền và gắn bó mật thiết với nhân dân; mọi sự nghiệp liên quan tới hạnh phúc và lợi ích của nhân dân trong xã hội.

Hồ Chí Minh bàn đến xây dựng chính trị mà hạt nhân là dân quyền. Một nền chính trị dân quyền được đặt trong văn hóa nêu lên cách đây 80 năm khi chính quyền chưa về tay nhân dân là một suy nghĩ độc đáo, sâu sắc, vừa có ý nghĩa tạo động lực cho cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân, vừa mang tầm chiến lược lâu dài, soi đường cho phát triển. Quan điểm về dân quyền sau này được Hồ Chí Minh nói tới nhiều như quan tâm dân sinh, nâng cao dân trí, thực hành dân chủ và ngày nay được Đảng ta coi là một trong những chìa khóa của sự phát triển đất nước.

Sau cùng là xây dựng kinh tế. Đây không chỉ là câu chuyện về mối quan hệ tác động qua lại, gắn bó mật thiết giữa văn hóa với chính trị, xã hội, kinh tế, mà còn cho thấy muốn phát triển văn hóa phải xây dựng kinh tế và kinh tế với ý nghĩa là cơ sở hạ tầng, bệ đỡ, nền tảng của thượng tầng kiến trúc gồm tâm lý, đạo đức, chính trị, xã hội. Từ di sản Mác - Lênin, xuất phát từ thực tiễn Việt Nam, Hồ Chí Minh làm rõ mối quan hệ biện chứng giữa kinh tế và văn hóa. Theo Người, cơ sở hạ tầng có kiến thiết rồi thì kiến trúc thượng tầng mới phát triển được. Trong điều kiện cụ thể của nước ta, một nước bị chế độ phong kiến chuyên chế hàng ngàn năm đè nén và gần một thế kỷ bị chế độ thực dân không kém phần chuyên chế nô dịch, kìm hãm trong vòng ngu dốt theo phương châm “làm cho dân ngu dễ trị”, Hồ Chí Minh sau này nói rõ hơn, sau khi giành được độc lập tự do, có lẽ phải đặt văn hóa lên hàng đầu để xây dựng con người, phát triển khoa học - kỹ thuật, tạo nguồn lực cho phát triển đất nước. Theo Người, “văn hóa không thể đứng ngoài, mà phải ở trong kinh tế và chính trị”(2).

Văn hóa với hạt nhân là tâm lý, đạo đức, tư tưởng chính trị trong cách nhìn của Hồ Chí Minh là thước đo, sự thích ứng những nhu cầu của đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn mà theo UNESCO thì “sự thăng hoa của văn hóa là đỉnh cao nhất của sự phát triển”. Hiện nay, nhận thức đó không phải đã thấm sâu vào từng người, từng cán bộ, đảng viên, người lãnh đạo, quản lý, đứng đầu; thấm vào tổ chức, cơ quan, đơn vị, đoàn thể, thôn bản; thấm vào gia đình, xã hội để biến thành niềm tin, thói quen, lối sống; thành hành động thực sự, hiệu quả hằng ngày. Vì vậy, mỗi cán bộ, đảng viên phải được nhận thức sâu sắc và hành động thực sự.

Đất nước có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay là nhờ sức mạnh văn hóa và con người Việt Nam, tỏ rõ hồn cốt, bản sắc, nét riêng, là “Made in Việt Nam”. Vậy nên hiện nay, để xây dựng một nước Việt Nam phồn vinh, hùng cường, hạnh phúc, sải bước cùng thời đại, sánh vai với các cường quốc năm châu như tâm nguyện và khát vọng của Bác Hồ vĩ đại và của cả dân tộc, cần phải vun bồi văn hóa, đặc biệt là tu thân, rèn luyện theo văn hóa Hồ Chí Minh.

THỰC HÀNH VĂN HÓA HỒ CHÍ MINH

Đề cao văn hóa bổn phận, liêm chính. Luôn luôn suy nghĩ và đặt lợi ích của Tổ quốc và nhân dân lên trên hết, trước hết. Phải thấu triệt và thực hành hằng ngày, suốt đời bốn chữ “Chí công vô tư”; trăn trở và hành động theo nhân cách Hồ Chí Minh phấn đấu cho quyền lợi của Tổ quốc và hạnh phúc của quốc dân, luôn nghĩ về ích quốc lợi dân, làm cho dân giàu, nước mạnh, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Đó cũng chính là văn hóa liêm chính, văn hóa đạo đức với ý nghĩa là gốc, nền tảng của cán bộ, đảng viên; là thước đo “trình độ người”, “chất người”, làm cho đất nước vững mạnh, trường tồn. Bởi vì “người mà không Liêm, không bằng súc vật”(3). Cán bộ, đảng viên không được dính líu gì với vòng danh lợi, mỗi ngày phải làm được việc tốt, có ích cho dân, cho nước. Cần phải lên án, loại bỏ những loại cán bộ chạy theo chức quyền, danh lợi, mua chức, bán quyền. Bởi vì cán bộ “cấp cao thì quyền to, cấp thấp thì quyền nhỏ. Dù to hay nhỏ, có quyền mà thiếu lương tâm là có dịp đục khoét, có dịp ăn của đút, có dịp “dĩ công vi tư”(4). Thực tế cho thấy “ai cũng tham lợi, thì nước sẽ nguy”(5).

Thực hành văn hóa nêu gương. Đối với người phương Đông, một tấm gương sống có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền. Văn hóa nêu gương còn là một khía cạnh thuộc phương thức lãnh đạo của Đảng cầm quyền. Những câu nói của cha ông “thượng bất chính, hạ tắc loạn”, “nhà dột từ nóc dột xuống” chính là những lời răn dạy về việc người đứng đầu phải nêu gương. Hồ Chí Minh nhiều lần nhắc nhở rằng nói miệng ai cũng nói được, ta cần phải thực hành. Người chỉ rõ: “Nếu miệng thì tuyên truyền bảo người ta siêng làm, mà tự mình thì ăn trưa, ngủ trễ; bảo người ta tiết kiệm, mà tự mình thì xa xỉ, lung tung, thì tuyên truyền một trăm năm cũng vô ích”(6). Những lời răn dạy của cha ông và trong di sản Hồ Chí Minh mang giá trị trường tồn như ý kiến của Tổng Bí thư trong bài phát biểu tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Ông lưu ý tránh tình trạng: “Chân mình còn lấm bê bê, lại cầm bó đuốc đi rê chân người”; “cấp trên ở chẳng chính ngôi, cho nên ở dưới chúng tôi hỗn hào”(7). Mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là những người lãnh đạo chủ chốt, đứng đầu phải là một tấm gương sáng theo tinh thần “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Đảng ta chỉ rõ sự gương mẫu của Trung ương là cực kỳ quan trọng, có ý nghĩa quyết định. Thực hành văn hóa nêu gương có giá trị bền vững, trường tồn.

Thực hành văn hóa phê và tự phê bình. Các nghị quyết về xây dựng Đảng những năm qua chỉ rõ tự phê bình và phê bình nhiều nơi mang tính hình thức; vẫn còn tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm; thiếu tự giác nhận khuyết điểm và trách nhiệm của mình trong công việc được giao. Đây là một trong những nguyên nhân làm “Đảng hỏng”(8), giảm sút vai trò lãnh đạo của Đảng, suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, một nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng.

Tự phê bình và phê bình là một nguyên tắc, quy luật phát triển Đảng, một thang thuốc hay nhất để chữa các bệnh trong Đảng. Hồ Chí Minh hiện thân của văn hóa phê và tự phê bình. Khi Đảng có khuyết điểm, cách mạng gặp khó khăn, Người tự nhận “chỉ vì tôi tài hèn đức mọn, cho nên chưa làm đầy đủ sự mong muốn của đồng bào… Những sự thành công là nhờ đồng bào cố gắng. Những khuyết điểm kể trên là lỗi tại tôi”(9). Có lần Người nói: “Tôi làm điều xấu, các đồng chí trông thấy, phải phê bình cho tôi sửa chữa ngay. Nếu tôi có vết nhọ trên trán, các đồng chí trông thấy, lại lấy cớ “nể Cụ” không nói, là tôi mang nhọ mãi. Nhọ ở trên trán thì không quan trọng, nhưng nếu có vết nhọ ở trong óc, ở tinh thần, mà không nói cho người ta sửa tức là hại người”(10). Khuyến khích cán bộ “cả gan nói, cả gan đề ra ý kiến”(11), phê bình Đảng, Chính phủ và người lãnh đạo chính là một khía cạnh rất quan trọng của văn hóa dân chủ. Mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ cấp cao, cán bộ chủ chốt, người đứng đầu các cấp, các ngành phải nhận thức sâu sắc, đầy đủ trách nhiệm của mình trước Tổ quốc, nhân dân và Đảng trong việc rèn luyện văn hóa phê và tự phê bình. Theo tinh thần của Lênin, tiêu chuẩn của một đảng đúng đắn, chân chính cách mạng là không sợ bộc lộ khuyết điểm của mình, công khai thừa nhận sai lầm, vạch rõ nguyên nhân sai lầm, phân tích hoàn cảnh của sai lầm và kiên quyết sửa chữa sai lầm.

Từ cách tiếp cận dân là chủ, Đảng là đày tớ của dân, Hồ Chí Minh chỉ rõ cần phải hoan nghênh sự phê bình của dân. Phê bình càng rộng, chính sách, đường lối càng đúng, uy tín càng cao. Đừng sợ phê bình mà mất uy tín. Người viết: “Quần chúng tinh lắm, quần chúng biết phân biệt thật giả. Dân sợ mình thù mà không dám nói đó thôi. Càng tự phê bình trước dân chừng nào dân càng bằng lòng và phục mình chừng ấy”(12). Khơi dậy quyền làm, quyền nói của dân, “làm sao cho nhân dân biết hưởng quyền dân chủ, biết dùng quyền dân chủ của mình, dám nói, dám làm”(13) thì mới xây dựng được một Đảng vững mạnh.

Rèn luyện văn hóa ứng xử. Văn hóa là một kiểu quan hệ. Ở tầm vĩ mô, điều có ý nghĩa nhất, quan trọng nhất của văn hóa ứng xử là biết xử sự, xử thế một cách trí tuệ, bản lĩnh, sáng tạo trong cách mạng, đổi mới, chống lại những gì cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi, vì hạnh phúc của nhân dân. Trong cuộc sống lao động, học tập hằng ngày, mỗi cán bộ, đảng viên phải tu dưỡng tư cách của một người cách mạng thể hiện trong các mối quan hệ với nhân dân, với Đảng, với đồng sự, với công việc, với các hạng người khác, nhưng trước hết, hàng đầu, xuyên suốt là phải biết cách xử sự, xử thế với chính mình. Mình đối với mình phải “chính tâm tu thân” thành một người tử tế, đứng đắn thì mới “tề được gia, trị được quốc, bình được thiên hạ”(14). Hồ Chí Minh chỉ rõ “tự mình không đánh thắng được khuyết điểm của mình, mà muốn đánh thắng kẻ địch, tự mình không cải tạo được mình, mà muốn cải tạo xã hội, thì thật là vô lý”(15). Chỉ có tự mình thành một người tốt thì mới có thể xử sự tốt với đồng bào, đồng chí, bạn bè; cương quyết và khôn khéo với kẻ địch./.

Phải làm cho văn hóa trở thành một yếu tố khăng khít của đời sống, của toàn bộ lĩnh vực hoạt động và ứng xử của con người. Chỉ có nhận thức dù sâu sắc đến mấy và nói thôi thì vẫn chưa là văn hóa. Chỉ khi nào nhận thức biến thành niềm tin, nếp sống, lối sống, hành động tự nhiên, thật sự hằng ngày thì mới trở thành văn hóa. Cán bộ, đảng viên phải nhận thức và rèn luyện theo tinh thần đó.

PGS. TS. Bùi Đình Phong 

-

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2011, t.3, tr.458.

(2) (15) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr.246, 82.

(3) (4) (5) (12) (14) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr.127, 127, 127, 370, 130.

(6) (8) (10) (11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.126, 301, 260, 319.

(7) Phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

(9)  Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.191-192.

(13)  Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.293.

Số lượt xem : 7373