Sự kiện nổi bật:

THÔNG TIN

Cập nhật lúc: 26/04/2024

Bài 1: Chúng ta muốn hòa bình nhưng thực dân Pháp buộc chúng ta cầm súng...

LTS: Trong lịch sử chiến tranh của thế kỷ XX, chiến thắng Điện Biên Phủ được các sử gia ghi nhận là chiến thắng "Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu", góp phần chôn vùi chủ nghĩa thực dân kiểu cũ. Nhìn lại chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, để thấy nhân dân Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu chuộng hòa bình như thế nào nhưng chính thực dân Pháp bắt chúng ta cầm súng và viết nên những trang sử vàng qua chiến thắng vĩ đại này - một chiến thắng làm thay đổi lịch sử thế giới... Bằng rất nhiều nỗ lực từ khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công cho đến khi toàn quốc kháng chiến và cả trong 9 năm kháng chiến trường kỳ đó, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khát khao hòa bình và độc lập dân tộc. Nhưng mọi nỗ lực đó bất thành, buộc chúng ta phải cầm súng...

Níu kéo chế độ thực dân...

Charles de Gaulle (22/11/1890 - 09/11/1970), người cùng tuổi với Chủ tịch Hồ Chí Minh, người hùng của nước Pháp, tổ chức kháng chiến chống lại phát xít Đức, giải phóng nước Pháp, nhưng lại là nhân vật có tội lớn với nhân dân Việt Nam. Tại sao một người như Charles de Gaulle, người đã đọc diễn văn nổi tiếng ngày 25/8/1944: "... Paris, Paris bị lăng nhục, Paris tan nát, Paris bị đọa đày, nhưng Paris được giải phóng. Tự giải phóng, được nhân dân giải phóng..." nhưng lại đưa quân xâm lược trở lại Đông Dương sau chiến tranh Thế giới lần thứ 2, sau khi nước Pháp được giải phóng khỏi phát xít Đức?

Sau cơn địa chấn nhục nhã từ Thế chiến thứ 2, thực dân Pháp vẫn còn thèm khát thuộc địa. Dưới áp lực của bọn thực dân kiểu cũ, Charles de Gaulle bổ nhiệm Đô đốc DArgenlieu làm Cao ủy Đông Dương thuộc Pháp (kiểu Toàn quyền Đông Dương) và chỉ định Tướng Leclerc làm Tổng Tư lệnh của các lực lượng viễn chinh và tại Đông Dương để thiết lập lại chủ quyền của Pháp trên bán đảo Đông Dương.

Thống chế De Gaulle tất nhiên là một người Pháp yêu nước, nhưng ông ta lại không hiểu được các dân tộc thuộc địa cũng có lòng yêu nước như họ. Trong một văn bản ghi ngày 04/9/1945, De Gaulle viết cho Đô đốc DArgenlieu về việc chuẩn bị tái chiếm thuộc địa Pháp ở Đông Dương: "Đô đốc thân mến, chúng ta còn một miếng bánh lớn cần giành lại, một phần lớn cần tham gia. Dành cho ngài đó. Hãy tiến lên!".

Chính De Gaulle và Đô đốc DArgenlieu đã đặt nền tảng cho Pháp quay lại Đông Dương. Dù đầu năm 1947, DArgenlieu bị thay thế nhưng bằng sự hiếu chiến của những tên thực dân, DArgenlieu đã thúc đẩy Pháp, dưới sự hỗ trợ rất tích cực của Mỹ, mở ra "cuộc chiến tranh Đông Dương" và cuối cùng kết thúc thảm khốc cho chính nước Pháp muốn kéo dài sự hấp hối của chủ nghĩa thực dân cũ ngay tại cứ điểm Điện Biên Phủ. Chính người Pháp dưới sự hỗ trợ rất tích cực của người Mỹ chủ chiến tại Việt Nam.

Cao ủy DArgenlieu đón Chủ tịch Hồ Chí Minh trên chiến hạm Emile Bertin ngày 24/3/1946, đi phía sau bên phải Bác là ông Hoàng Minh Giám, bên trái là ông Nguyễn Tường Tam. Ảnh: TL

Việt Nam mong muốn hòa bình, độc lập dân tộc

Ngay từ khi thực dân Pháp quay lại xâm lược Đông Dương, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trương ngăn chặn chiến tranh, giải quyết các vấn đề bằng biện pháp hòa bình.

Từ Cách mạng Tháng Tám thành công đến tháng 12/1946 là thời điểm lịch sử vô cùng khó khăn của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Lúc đó có khoảng 30 vạn quân đội nước ngoài có mặt tại Việt Nam với danh nghĩa đồng minh vào giải giáp quân đội Nhật, nhưng thực chất mỗi nước đều có những mưu đồ khác nhau. Trong bối cảnh đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ cách mạng kiên trì với những nỗ lực tìm mọi giải pháp, mọi con đường để đạt được nền hòa bình, độc lập cho dân tộc Việt Nam.

Ngày 03/10/1945, trong Bản Thông cáo đầu tiên về chính sách đối ngoại của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Đối với các nước đồng minh, Việt Nam mong muốn duy trì hữu nghị và thành thật hợp tác trên cơ sở bình đẳng và tương trợ, để xây dựng nền hòa bình thế giới lâu dài".

Với tinh thần đó, ngày 06/3/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ký với đại diện Chính phủ Pháp bản Hiệp định sơ bộ. Theo hiệp định này, về mặt pháp lý, Pháp công nhận Việt Nam là một quốc gia tự do, có chính phủ, nghị viện, quân đội và tài chính riêng. Về phía Pháp, khi vào miền Bắc cũng được quy định rõ về địa điểm, thời gian và số lượng. Hiệp định sơ bộ được ký kết khẳng định tinh thần hòa bình, hữu nghị của Đảng và Chính phủ, đồng thời tránh tình thế bất lợi khi có thể phải cô lập chiến đấu cùng một lúc với nhiều lực lượng phản động.

Lịch sử đã chứng minh thiện chí hòa bình của Việt Nam qua Hiệp định sơ bộ và Tạm ước ngày 14/9/1946. Với Việt Nam, Hiệp định sơ bộ này nằm trong chiến lược "Hòa để tiến", để tính đường dài hơn.

Tình hình chính trị lúc này hết sức phức tạp. Các đảng phái phản động ra sức xuyên tạc, cho là chính phủ Việt Minh thỏa hiệp với Pháp. Sau đó ít lâu trước khi lên đường sang Paris, với tư cách là thượng khách của nước Pháp, Bác Hồ gửi thư cho đồng bào Nam Bộ qua sóng Đài Tiếng nói Việt Nam: "... Tôi xin đồng bào cứ bình tĩnh. Tôi xin hứa với đồng bào rằng Hồ Chí Minh không phải là người bán nước".

Ngày 29/5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh cử đồng chí Phạm Văn Đồng - Phó Trưởng ban Thường trực Quốc hội làm Trưởng đoàn dẫn đầu Phái đoàn Quốc hội Việt Nam đàm phán với Pháp tại Fontainebleau.

Ngày 31/5/1946, trong bối cảnh đất nước đang gặp muôn vàn khó khăn, Chủ tịch Hồ Chí Minh với tư cách là nguyên thủ quốc gia của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lên đường thăm Cộng hòa Pháp theo lời mời của Chính phủ Pháp. Mục đích của chuyến đi là để cứu vãn nền hòa bình trong khi thực dân Pháp quyết tâm xâm lược Việt Nam một lần nữa nhưng người Pháp vẫn không thiện chí.

Hội nghị Fontainebleau kéo dài hơn 2 tháng và cũng thất bại do phía Pháp cố tình phá hoại đàm phán với mục đích chống nguy cơ cộng sản và vẫn giữ nguyên lập trường mà họ đưa ra tại Hội nghị Đà Lạt: Lập chế độ toàn quyền ở Đông Dương, tách Nam Bộ ra khỏi Việt Nam, không thừa nhận Việt Nam có quyền ngoại giao riêng. Tất cả cho thấy người Pháp vẫn không chịu chấp nhận hai nội dung chính trị có ý nghĩa sinh tử đối với Việt Nam: Độc lập và thống nhất.

Trước khả năng có thể xảy ra chiến tranh, ngày 14/9/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng M.Moutet, đại diện Chính phủ Pháp ký bản Tạm ước như một nỗ lực cuối cũng nhằm cứu vãn nền hòa bình đang bị đe dọa. Đây là bước nhân nhượng cuối cùng với Pháp. Mặc dù không đạt được kết quả, nhưng chúng ta đã làm cho nhân dân Pháp hiểu ta và ủng hộ ta hơn; làm cho dư luận quốc tế chú ý đến Việt Nam và hiểu sự khát khao hòa bình của Việt Nam.

Trên đường từ Pháp về nước, ngày 18/10/1946 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có cuộc gặp Cao ủy Pháp DArgenlieu tại vịnh Cam Ranh để bàn cách thực hiện Tạm ước 14/9. Trước đó, ngày 24/3/1946 cũng đã diễn ra cuộc gặp giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh với Cao ủy Pháp DArgenlieu trên tuần dương hạm Emile Bertin đậu trên vịnh Hạ Long.

Trong cuộc gặp gỡ lần thứ 2, Cao ủy Pháp đồng ý bổ nhiệm một đại diện Chính phủ Việt Nam để phối hợp thực hiện ngừng bắn, nhưng đòi quân đội Việt Nam tại miền Nam rút về miền Bắc. Tất nhiên, Chính phủ Việt Nam không thể chấp nhận đề nghị này. Tuy không đạt được những yêu cầu về hòa hoãn, nhưng cuộc gặp tại Cam Ranh đã để lại những ấn tượng về một dân tộc Việt Nam, Hồ Chí Minh yêu chuộng hòa bình: "Dù sao tôi vẫn có cảm tưởng rằng ông Hồ chân thành mong muốn, ít ra là trong một thời gian, sẽ tìm thấy ở sự giao hòa với Pháp một sự củng cố lại các kết quả đã giành được và bước đầu của những tiến bộ mới" - phát biểu của DArgenlieu.

"Chúng tôi không muốn chiến tranh"

Chủ tịch Hồ Chí Minh và chính phủ cách mạng Việt Nam vẫn kiên trì với đường lối hòa bình và độc lập dân tộc. Ngày 13/12/1946, trước khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, trả lời phỏng vấn phóng viên Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn khẳng định: "Đồng bào tôi và tôi thành thực muốn hòa bình. Chúng tôi không muốn chiến tranh".

Khi khả năng thương lượng không thể thành hiện thực, nhân dân Việt Nam, dân tộc Việt Nam buộc phải cầm súng đứng lên chống lại kẻ thù mạnh hơn Việt Nam rất nhiều lần với sự hà hơi tiếp sức của Mỹ.

Thái độ và thiện chí hòa bình cũng thể hiện rất rõ ràng trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến được Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ phát đi trong đêm 19/12/19946: "Hỡi đồng bào toàn quốc! Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa".

Ngày 29/11/1953, lúc này Pháp vẫn giữ vững cứ điểm Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn ngỏ ý ủng hộ đàm phán trong bài phỏng vấn của tờ báo Thụy Điển Expressen, thông qua Đại sứ quán Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở Bắc Kinh.

Trong phần trả lời phỏng vấn này, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Cuộc chiến tranh ở Việt Nam là do Chính phủ Pháp gây ra. Nhân dân Việt Nam phải cầm vũ khí anh dũng chiến đấu 7, 8 năm nay chống kẻ xâm lược chính để bảo vệ nền độc lập và quyền tự do được sống hoà bình. Hiện nay, nếu thực dân Pháp tiếp tục cuộc chiến tranh xâm lược thì nhân dân Việt Nam quyết tâm tiếp tục cuộc chiến tranh ái quốc đến thắng lợi cuối cùng. Nhưng nếu Chính phủ Pháp đã rút được bài học trong cuộc chiến tranh mấy năm nay, muốn đi đến đình chiến ở Việt Nam bằng cách thương lượng và giải quyết vấn đề Việt Nam theo lối hòa bình thì nhân dân và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà sẵn sàng tiếp ý muốn đó”.

Suốt cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp, Hồ Chí Minh và Chính phủ cách mạng luôn bày tỏ thái độ sẵn sàng thương lượng với Pháp nhưng Pháp nghĩ, với "pháo đài" Điện Biên và sự trợ giúp hết sức to lớn của Mỹ, nước Pháp thực dân sẽ chiến thắng. Kết quả cuối cùng chính "pháo đài" Điện Biên Phủ đã chôn vùi chủ nghĩa thực dân cũ của Pháp.

(Còn tiếp...)

XUÂN NHÂN

Nguồn: congan.com.vn

Số lượt xem : 2769